Về tình hình nguồn cung vắc xin COVID-19, Bộ Y tế cho biết, vắc xin do Bộ Y tế mua của Hãng AstraZeneca thông qua Công ty VNVC là 30 triệu liều. Lô đầu tiên trong số này đã về cuối tháng 2 vừa qua. Dự kiến, hơn 1 triệu liều tiếp theo sẽ về trong tháng 4 tới. Số vắc xin còn lại mà Việt Nam đặt mua dự kiến sẽ về nước trong quý 2 và 3 năm nay.

Về nguồn hỗ trợ miễn phí 30 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 từ COVAX Facility (Sáng kiến chung tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19), Bộ Y tế cho biết dự kiến, lô vắc xin đầu tiên do COVAX hỗ trợ sẽ về Việt Nam ngày 25-3 là khoảng 1,37 triệu liều, cuối tháng 4 về thêm 2,8 triệu liều nữa. “Tuy nhiên, do nguồn cung trên thế giới khó khăn, việc xuất khẩu vắc xin tại các nước sản xuất bị hạn chế, các lô vắc xin này có thể bị lùi thời gian cung ứng". Thậm chí, theo Bộ Y tế, số vắc xin do COVAX hỗ trợ còn lại dự kiến về Việt Nam vào quý 3-2021 cũng có thể bị lùi thời gian cung ứng sang năm 2022.

Bộ Y tế cho biết đang tích cực đàm phán để đưa vắc xin COVAX về Việt Nam đúng cam kết, đồng thời mở rộng tìm nguồn cung cấp. Hiện, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) đang đàm phán với nhà sản xuất vắc xin Sputnik V với số lượng tối đa và cung ứng trong thời gian sớm. Tuy nhiên, hiện chưa có kế hoạch và số lượng có thể cung ứng cho Việt Nam.

Việt Nam cũng đã đàm phán mua vắc xin Pfizer (Mỹ). Cuối tuần qua, hãng đã thông báo có thể bán cho Việt Nam 31 triệu liều, lộ trình cung ứng chi tiết sẽ thông báo sớm. Tuy nhiên, vắc xin này phải bảo quản ở nhiệt độ âm sâu, hiện nước ta chỉ có Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM có kho lạnh âm sâu để bảo quản vắc xin này, sau khi rã đông sử dụng được trong 15 ngày. Thế nhưng, ngay tại Mỹ cũng phải hủy bỏ tới 50% lượng vắc xin do sự cố kho lạnh.

Trong tuần này, Bộ Y tế đang đàm phán với Hãng Johnson& Johnson và các nhà sản xuất khác để tìm nguồn cung ứng vắc xin, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà sản xuất nào thông báo chính thức về nguồn cung cấp cho Việt Nam.

Vắc xin Sputnik V của Nga là vắc xin ngừa Covid-19 thứ 2 được Việt Nam phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sau vắc xin của AstraZeneca. Vắc xin Sputnik V được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm do công ty Generium của Nga sản xuất, đóng gói. Mỗi lọ dung tích 3 ml, chứa 5 liều.

Sputnik V dựa trên công nghệ vector, sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Sputnik V đã được phê duyệt sử dụng tại hơn 50 quốc gia. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng công bố trên tạp chí Lancet, vắc xin hiệu quả 91,6%, là một trong ba vắc xin COVID-19 trên thế giới đạt hiệu quả trên 90%. Kết quả sơ bộ, Sputnik V hai liều có hiệu quả cao, đáp ứng tốt ở tình nguyện viên trên 18 tuổi.

Tháng 12 năm ngoái, Belarus trở thành nước đầu tiên ngoài Nga phê duyệt Sputnik V. Tại châu Âu - nơi chiến dịch vắc xin chậm tiến độ do thiếu nguồn cung, giới chức bắt đầu hướng đến Sputnik V. Hôm 4/3, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đánh giá hiệu quả sản phẩm. Tại Đông Nam Á, vắc xin đã được phê duyệt ở Lào, Myanmar.