Theo báo cáo của Bộ Y tế, các biến thể phụ của Omicron có xu hướng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh thành, nhất là ở Hà Nội, TP.HCM, thay thế dần chủng Delta thường gặp trước đây.

Tại Hà Nội, các biến thể của Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận huyện, trong đó BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện nhiễm Omicron.

Lây lan nhanh chỉ trong hơn 1 tháng

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, qua giải trình tự gene thời điểm từ ngày 1 đến 10/2, trong 54 mẫu thu thập từ 21 tỉnh thành phía Bắc có đến 50 mẫu là chủng Delta, chỉ 4 mẫu chủng Omicron.

Trong đó 2/4 mẫu ở Hà Nội nhiễm biến chủng BA.2 (là biến thể phụ của Omicron), 1 mẫu ở Ninh Bình nhiễm biến thể BA.1 cũng là biến thể của Omicron và Tuyên Quang 1 mẫu BA.2.

Về di truyền, BA.2 có đột biến tương tự ở Delta. Cụ thể, 2 ca nhiễm BA.2 ở Hà Nội ghi nhận có đột biến axit amin có ở Delta là AI57.

TS.BS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên khoa vi sinh ĐH Y dược TP.HCM - cho biết biến thể phụ BA.2 của Omicron xuất phát từ biến thể phụ BA.1.

Xét về cấu trúc gene, BA.2 không còn đột biến mất đoạn như BA.1, chính vì vậy có tốc độ lây lan nhanh hơn BA.1 gấp 1,5 - 1,7 lần.

Trong khi đó, BA.1 đã lây nhanh hơn Delta gấp 8 lần, BA.2 lây nhanh hơn gấp 2 lần BA.1 nên tốc độ ca COVID-19 mới càng nhanh hơn, bởi hiện BA.2 chiếm 87% ca mắc Omicron chung được khảo sát tại Hà Nội. TS Vân cũng cho biết hiện tại đã xuất hiện thêm 1 biến thể khác của Omicron là BA.3, tuy nhiên tỷ lệ chưa nhiều.

Theo TS Hùng Vân, khi Omicron xuất hiện đến 3 biến thể phụ khác nhau, có thể làm cho một người nhiễm Omicron rồi vẫn có thể nhiễm lại một lần nữa. Nếu nhiễm biến thể phụ BA.1 vẫn có thể nhiễm lại biến thể phụ BA.2.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia ngày 5/3 cũng cho biết BA.2 có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện có so với biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

"Nhiễm Delta rồi khó nhiễm lại Delta, nhiễm Omicron rồi vẫn có nguy cơ bị nhiễm lại. Một người từng nhiễm Delta vẫn có thể nhiễm Omicron", TS Vân nói.

Tốc độ lây lan của Omicron, đặc biệt là biến thể BA.2 là lý do khiến ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh trong 1 tháng qua. Nếu tính giai đoạn đầu tháng 2 như kết quả giải trình tự gene ngẫu nhiên kể trên, Delta vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối thì hiện Omicron đã thay thế gần như hoàn toàn.

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng kinh nghiệm các nước cho thấy chủng Omicron lây lan nhanh và đạt đỉnh rồi giảm trong vòng 2 tháng, tính đến nay đã qua hơn 1 tháng Omicron xuất hiện ở Việt Nam, 3 ngày nay số mắc mới bắt đầu giảm dù mức độ giảm còn thấp, có phải đỉnh dịch đã xuất hiện?

TP.HCM: 64% bệnh phẩm khảo sát là chủng BA.2

Sáng 9/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, kết quả sàng lọc nhanh ca bệnh phát hiện từ ngày 10 đến 27/2, giải trình tự gene 67 ca thì có 43 ca nhiễm biến thể BA.2, chiếm hơn 64%.

Về tình trạng lâm sàng, khảo sát cho thấy biểu hiện chung của Omicron là lây lan nhanh nhưng tỷ lệ nhập viện và số có diễn biến nặng chỉ bằng 1/10 so với trước.

So về triệu chứng thì số có triệu chứng ở Omicron lại cao hơn các chủng trước, lên tới 50-60%, nhưng các triệu chứng chủ yếu là ho, sốt, rát họng, điều trị ở nhà được. Trong khi với Delta, số có triệu chứng chỉ khoảng 20% nhưng nhiều triệu chứng nặng, tỷ lệ nhập viện và chuyển nặng cao.