Nhu cầu mua sắp dịp cận Tết tăng cao

Không khó để nhận thấy các đại lý bánh kẹo hay các siêu thị đã trưng bày rất nhiều mặt hàng phục vụ Tết. Các sản phẩm phong phú và đa dạng về chủng loại, được thiết kế sang trọng và lịch sự. Chủ một đại lý bánh kẹo trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, hiện nhu cầu khách đến mua hàng tập trung chủ yếu vào các sản phẩm có chất lượng và đồ ngoại nhập vì mẫu mã đẹp và ăn cũng ngon hơn hàng trong nước.

Những hộp bánh kẹo nhập với các nhãn hiệu quen thuộc như Royal, White Castle, Bristish, Danisa... được bày ở vị trí trung tâm, dễ nhìn và dễ lấy, tiếp đó mới là các mặt hàng trong nước như Kinh Đô, Hải Hà….Một lý do nữa khiến hàng ngoại năm nay được ưa chuộng đó chính là giá cả cạnh tranh so với hàng nội.

“Hàng ngoại thì thậm chí 80.000đ đã có một sản phẩm hàng ngoại rồi, giá cả tốt hơn mọi năm nhiều….”. Chị Thu Hà ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Nhiều thực khách không có thời gian đi chọn hàng Tết thì chỉ cần gõ vài chữ đơn giản “gói quà Tết” trên mạng xã hội sẽ hiện ra vô vàn địa chỉ. Từ giỏ quà 300.000đ đến những giỏ quà hàng triệu đồng, chỉ cần khách có nhu cầu đặt hàng sẽ được tư vấn lựa chọn đồ ngoại hấp dẫn...Trăm người bán, vạn người mua, không ít thực khách cho rằng hàng ngoại tức là chất lượng và sang trọng nên mạnh dạn mở hầu bao chi tiền mà không cần kiểm chứng chất lượng. Cả năm mới có một cái tết nên ai cũng muốn mua những gì tốt nhất cho gia đình. Thế nhưng, có phải cứ “hàng ngoại’ là có chất lượng?

Cảnh giác hàng giả, hàng nhái đội lốt hàng ngoại

Có cung ắt có cầu, khi lượng tiêu thụ hàng Tết tăng cao, nhiều cơ sở kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng nhân cơ hội hoạt động mạnh để kiếm lời. Theo ông Trần Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, chỉ trong vòng 1 tháng qua, cơ quan chức năng đã phát hiện được nhiều vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng. Một số đối tượng tinh vi mua hàng hóa nước ngoài gần hết hạn sử dụng về đóng gói, dập lại nhãn mác mới… những trường hợp này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Riêng trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 5771 vụ với số tiền trên 49 tỷ đồng….

Rượu ngoại, rượu Tây những thực ra được sản xuất ở Tây Tựu, bánh kẹo của Đức nhưng lại là Hoài Đức, Hà Nội….Rất may những sản phẩm trá hình này đã được cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ trong thời gian qua. Đây là kết quả của việc triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bà Lê Việt Nga – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết: "Thời gian vừa qua, việc kiểm soát các hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm đã được nhiều cấp, ngành quan tâm, đặc biệt là Ban 389 tại các địa phương hoạt động rất tốt trong việc kiểm soát hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng nhái….Ngoài ra, còn phát hiện được khá nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm không bảo đảm về ATTP hoặc sử dụng nguyên phụ liệu không tốt….Chính vì vậy, tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp đã ít xảy ra hơn so với thời gian trước đây…"

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác trong tiêu dùng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN khuyến cáo người mua hàng cần phải xem kỹ nguồn gốc xuất xứ, tỉnh táo khi mua hàng để không nhầm lẫn với hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Ví dụ một hộp bánh Damisa ghi xuất xứ Đan Mạch nhưng lại chỉ có hơn 100.000đ, trong khi hộp bánh đúng thương hiệu Danisa phải hơn 300.000đ, chỉ in sai một chữ trên nhãn mác là cũng phải cảnh giác….Mua hàng qua mạng nhìn có thể rất đẹp nhưng nhận hàng lại không đẹp như thế, vì vậy, người tiêu dùng cần để ý".

Tết Nguyên đán cận kề, không khó để người dân mua được những hộp bánh, gói kẹo, chai rượu ngon cho gia đình và bạn bè. Thế nhưng thay vì tin những lời quảng cáo có cánh về hàng ngoại nhập, bản thân mỗi người dân hãy tỉnh táo và thông thái khi lựa chọn hàng hóa.