Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, trước khi đưa đến bệnh viện điều trị, người nhà đã đưa bé vào bệnh viện tuyến dưới sơ cứu, rồi tiếp tục đưa đến thầy lang đắp thuốc. Vết bỏng ngày càng sưng nề, chảy dịch đục, gây đau đớn nên sau đó gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Cùng lúc, bệnh viện cũng tiếp nhận ba mẹ con bị bỏng do nồi nước xông. Trong quá trình xông, mẹ ôm bé nhỏ nhất trong lòng, bé lớn 4 tuổi ngồi bên cạnh để cùng xông, không may nồi nước đổ gây bỏng vùng ngực, đùi trái, tay trái.

Các bé phải trải qua ca phẫu thuật cắt lọc hoại tử, ghép da tạo hình vạt che phủ, điều trị bỏng sâu. Hiện tại, sau hơn một tuần điều trị, sức khỏe của các bé đều đã ổn định.

Bác sĩ Thái Văn Bình, trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, cho biết gần đây, khoa liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị bỏng do xông nước lá để phòng bệnh. Theo bác sĩ, xông hơi là biện pháp điều trị theo y học cổ truyền để hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa Covid-19. Tuy nhiên, các gia đình cần lưu ý thực hiện đúng cách, đặc biệt với trẻ nhỏ. Không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, nhất là trẻ dưới 30 tháng tuổi, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Trẻ bị bỏng cần được sơ cứu đúng cách ngay lập tức, bởi xử lý sai cách, tổn thương bỏng chuyển độ sâu, nhiễm trùng, để lại các di chứng như sẹo lồi, sẹo phì đại, sẹo co rút...