Mỗi người khỏe mạnh bình thường đều có hai quả thận nằm ở hai bên hố lưng, đảm bảo những chức năng cơ bản nhất của quả thận. Về cấu trúc, những đơn vị chức năng này có hình cầu gọi là cầu thận. Vì vậy, có thể nói cầu thận là nhân tố cơ bản nhất để duy trì hoạt động bình thường cho quả thận. Những tổn thương về cầu thận như bị viêm hay bị phá hủy đều ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của quả thận, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

BS Nguyễn Vĩnh Hưng – Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu – Bệnh viện E cho biết, trước đây bệnh viêm cầu thận thường xảy ra ở trẻ đã đến tuổi đi học nhưng hiện nay, có trẻ mới chỉ 2 tuổi đã mắc bệnh.

Về nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận, theo BS Nguyễn Vĩnh Hưng, có hai nhóm nguy cơ cơ bản: Thứ nhất là tác nhân ngoại lai, bao gồm những vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hay các chất độc. Thứ hai là những tổn thương bệnh lý tại cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, những đối tượng hay bị viêm họng, viêm đường hô hấp trên có thể mắc viêm cầu thận cấp, đặc biệt vào mùa đông còn những trẻ hay bị viêm cầu thận cấp do bị nhiễm trùng ngoài da hay u nhọt thường xảy ra vào mùa hè và mùa xuân. Đối tượng thứ hai là người trưởng thành, vì một tác nhân nào đó của môi trường như các hóa chất hoặc sản phẩm tự nhiên có thể làm thay đổi môi trường dẫn tới tổn thương của cơ thể gây viêm cầu thận. Đối tượng thứ ba là người cao tuổi có bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường hay bệnh tăng huyết áp, ung thư…

Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp tính và viêm cầu thận mạn tính. Có 90-95% trường hợp viêm cầu thận cấp tính có thể chữa khỏi nếu được nghỉ ngơi và điều trị hợp lý, chỉ có 5% viêm cầu thận cấp tính chuyển sang viêm cầu thận mạn tính. Tuy nhiên, từ viêm cầu thận cấp tính sang mạn tính nếu làm xét nghiệm chuyên sâu, người ta thấy tổn thương của thận thường nặng nề và thường bị sơ hóa nhiều, vì vậy, về lâu dài người bệnh dù đã điều trị khỏi nhưng vẫn cần phải theo dõi sát sao. Đối với tổn thương cấp tính ở trường hợp ngộ độc hoặc do các chế phẩm hóa chất, chế phẩm sinh học thì cần loại bỏ sớm những tác nhân gây bệnh để có thể ngăn chặn quá trình cấp tính thành mạn tính.

Thận có nhiều chức năng, trong đó có chức năng thanh lọc, thải loại các chất độc trong cơ thể; cân bằng nước và điện giải ở trong cơ thể làm cho cơ thể có một dung môi để hoạt động. Ngoài ra thận còn có chức năng tiết ra hoocmon đảm bảo huyết áp của cơ thể ổn định. Các hooc môn tham gia quá trình chuyển hóa của canxi và phốt pho, các hoocmon giúp cho hồng cầu trưởng thành, ngoài ra còn các chức năng khác nữa, vì vậy, khi tổn thương cầu thận mạn tính nếu không được điều trị thận sẽ mất chức năng. Lúc này các chất độc không được thải ra ngoài sẽ gây ra tình trạng nhiễm độc cơ thể, nước bị ứ lại gây ra phù, nặng thì phù tim, phù phổi, phù não. Ngoài ra, các hoocmon không hoạt động đầy đủ sẽ gây ra tăng huyết áp, dẫn tới bệnh lý về xương khớp, thiếu máu và các biến chứng khác nữa. Những chức năng này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống

“Nguyên tắc điều trị đối với tổn thương thận là chúng ta phải nghỉ ngơi tuyệt đối, luôn giữ ấm và ăn nhạt vừa phải đặc biệt trong giai đoạn cấp tính. Còn giai đoạn ổn định có thể ăn bớt nhạt hơn và phải đong đếm được lượng nước đưa vào người, có chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn uống vừa phải. Tránh stress sẽ giúp ngăn chặn tiến triển của bệnh thận” – BS Nguyễn Vĩnh Hưng khuyến cáo.