Đáng lo ngại là hiện nay ở nước ta chỉ có khoảng 20% cơ sở chăn nuôi, giết mổ gà, vịt được giám sát bởi cơ quan thú y và các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi chưa tiêm phòng vắc xin, chưa đảm bảo an toàn sinh học và chưa được kiểm dịch. Trong khi đó, người dân vẫn có thói quen mua gà, vịt ở chợ dân sinh – những địa chỉ không tin cậy, chưa được cơ quan thú y kiểm soát về chất lượng. Thậm chí, có người còn tin người bán và kinh nghiệm của bản thân hơn cả chứng nhận của lực lượng chức năng. “Tôi toàn ra chợ mua của người quen, có bao giờ mua gà kiểm dịch đâu, nó khỏe mạnh, nhanh nhẹn thì mua, kiểm dịch không ngon bằng” – Một người dân đi chợ ở phố Nguyễn Thị Thập cho biết. Người dân thì không mấy quan ngại, còn tiểu thương cũng khó có thể phân biệt được gà bị bệnh. Chị H.T.H – một người chuyên bán gà mổ sẵn ở quận Long Biên thừa nhận: “Nhiều khi nhập hàng đêm tối lại vội nên nhập nhằng, dễ bị nhầm, mình ào ào cân xong họ vứt vào chuồng cho mình”

Hiện nay, đang là mùa xuân, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển trên các đàn gia cầm. Hơn nữa ở thời điểm sau Tết, nhu cầu tiêu thụ gà vẫn rất lớn do việc tổ chức các lễ cúng, lễ hội đầu xuân. Vì vậy, dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng.

Để kiểm soát dịch cúm gia cầm, ông Phan Quang Minh – Trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, Cục đã đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Thú y, Quyết định số 172/QĐ-TTd ngày 13/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm gia đoạn 2019-2025” và Công điện số 163/CĐ-TTg ngày 8/2/2021 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người. Cục đã thành lập những tổ kiểm tra giám sát ở mỗi địa phương, theo đó nếu bắt được cơ sở chăn nuôi nào trốn tránh không kiểm soát dịch sẽ xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, tổ chức truyền thông, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi theo phương pháp sinh học, tiêm vắc xin phòng chống cúm cho đàn gà vịt.

Tuy Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 nhưng đã có 54 quốc gia, vùng lãnh thổ đã nhiễm virus cúm A/H5N8, H7N9, H5N2. Những virus này có thể xâm nhập vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới và các tỉnh thành phố có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. “Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Thú y đã phối hợp với Bộ Công thương, Công, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường quản lý thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mởi khu vực biên giới, đặc biệt là ở các chợ đầu mối, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép và tổ chức tuyên truyền cho người dân ở các khu vực biên giới về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm” – Ông Phan Quang Minh cho biết.

Để không mua phải những con gà, vịt bị nhiễm virus cúm, người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách mua ở những địa chỉ có uy tín, gà, vịt có đóng dấu đã kiểm dịch. Trứng là thực phẩm được trẻ nhỏ dùng nhiều nên người mua cũng cần cẩn thận hơn khi mua, nên mua trứng đã được khử trùng ở các công ty có uy tín. Tuyệt đối không ăn tiết canh, thực phẩm chưa nấu chín…