Theo BS Nguyễn Quế Phương – Phó Trưởng khoa Nhi tim mạch và khớp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, mỗi năm, số trẻ có biểu hiện đau xương khớp đến khám khoảng từ 50 đến 100 bệnh nhi, riêng năm 2022 có khoảng gần 100 bệnh nhi.

Các bệnh cơ xương khớp ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau: Đau xương khớp tuổi phát triển, thấp khớp cấp, thấp khớp hoặc viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, virus, viêm sau chấn thương. Trẻ nhỏ có bệnh lý liên quan rối loạn miễn dịch như thấp khớp cấp, viêm khớp mạn tính thiếu niên hoặc có một số bệnh lý giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp.

Một trong những bệnh lý mạn tính về xương khớp hay gặp ở trẻ là viêm khớp mạn tính thiếu niên, lứa tuổi mắc bệnh thường từ 2-16 tuổi. Theo nghiên cứu của Mỹ và Canada, cứ 100.000 trẻ thì có 4-6 trẻ mắc bệnh. Ở nước ta, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng thực tế, bệnh diễn ra phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, cha mẹ lại thường chủ quan vì nghĩ rằng đây là bệnh chỉ xảy ra ở người lớn.

Phần lớn trẻ đến bệnh viện khám trong tình trạng khó có thể đi lại được như bình thường do cơn đau hành hạ. Nguyễn Tuệ Linh, 8 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội là một trong những trường hợp như vậy.

Gia đình biết con bị viêm khớp háng khi đó thì con đã không thể đi lại được, cho con uống kháng viêm. Đi bệnh viện khám, chụp X quang, xét nghiệm máu thì ra dịch” – chị Nguyễn Thu Hiền – mẹ bé kể lại.

Chị Nguyễn Thu Hiền – mẹ bé Linh cho biết, bé uống thuốc điều trị khớp háng được 1 tháng thì đỡ đau, bắt đầu đi lại được thì ở đầu gối và tay lại tiếp tục xuất hiện những chỗ sưng tấy. Bé Linh tiếp tục điều trị nội khoa kết hợp với tập vật lý trị liệu. Sau 2 năm, hiện bé có thể đi lại được nhưng không thể làm những động tác khoanh hay gập chân.

Mấy hôm nay trời lạnh kéo dài, phải giữ ấm cho cháu, buổi tối bắt cháu đeo tất vào, nếu bị lạnh con lại kêu đau nhức. Bác sĩ động viên bệnh này con phải điều trị lâu dài, không vội được, giờ mỗi tháng lại đi viện một lần” – chị Hiền xót xa.

Khi nào chẩn đoán bệnh viêm khớp mạn tính thiếu niên?

BS Nguyễn Quế Phương cho rằng, với viêm khớp mạn tính thiếu niên, trẻ có biểu hiện khớp bị sưng, đau kéo dài trên 6 tuần.

Về nguyên tắc điều trị: Mỗi bệnh lý về viêm khớp thì có một phác đồ điều trị khác nhau nên khó có thể có một phác đồ chung nhất. Tuy nhiên, các thuốc điều trị cơ bản gồm kháng viêm non – steroid, nhóm thuốc sinh học, thuốc ức chế yếu tố hoại tử u (tùy từng diễn biến của bệnh thì mới phải sử dụng). “Nhóm nữa là corticoid dùng tại chỗ hoặc toàn thân. Loại thuốc này cũng hạn chế dùng bởi vì có nhiều tác dụng phụ, tuy nhiên có một số thể bắt buộc vẫn phải sử dụng nhưng dùng trong thời gian ngắn thôi còn lại là phục hồi chức năng cho các khớp và tái hòa nhập trong cộng đồng” – BS Nguyễn Quế Phương cho biết.

Thường xuyên theo dõi tiến triển của bệnh để kịp thời phát hiện biến chứng của bệnh

BS Nguyễn Quế Phương lưu ý cha mẹ, trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ đòi hỏi sự kiên trì và tái khám thường xuyên để theo dõi diễn tiến bệnh và triệu chứng tác dụng phụ do thuốc. Bệnh viêm khớp mạn tính thiếu niên thường có biến chứng gây viêm bọng mắt thể mi sau này, hoặc có thể gây đục thủy tinh thể, hoặc biến dạng khớp gây tàn phế.

Khoảng 1-3% bệnh nhi chuyển thành bệnh mạn tính mặc dù đã đùng đủ thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Theo nghiên cứu của Mỹ, có khoảng 1-3% số lượng bệnh nhi chuyển thành bệnh viêm khớp mạn tính giống như người lớn, có những trường hợp sẽ phải thay khớp nếu khớp xương của trẻ bị biến dạng, mất chức năng.

BS Nguyễn Quế Phương cho biết, có giai đoạn vàng để điều trị bệnh khớp ở trẻ, nếu điều trị sớm có khoảng 48,8% trẻ có khả năng dừng thuốc, khoảng 49,9% trẻ đẩy lui được bệnh nhưng vẫn phải dùng thuốc, tuy nhiên trường hợp này chỉ dùng thuốc ở mức tối thiểu.

Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện đau khớp, đau khi vận động, đi lại, các trẻ bé thì sẽ khóc khi thay quần áo, cầm nắm các vật dụng thì việc đầu tiên là cha mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện ra nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân, tránh để lại di chứng về sau cho trẻ.

Phòng bệnh cho trẻ mùa lạnh

Thời tiết lạnh sẽ gây tê cóng và cứng khớp cho trẻ nhiều hơn, trẻ khó vận động hơn nên cha mẹ cần giữ ấm và xoa bóp thường xuyên cho trẻ.

Việc phòng ngừa các bệnh về hô hấp cho trẻ cũng nên được quan tâm bởi các bệnh về đường hô hấp do vi khuẩn, virus cũng là nguyên nhân khiến cho bệnh viêm khớp tiến triển dễ tái phát hoặc khởi phát.

Cho trẻ tập thể dục thể thao để trẻ tăng cường thể lực cũng như miễn dịch.

Cho trẻ uống nước đầy đủ, tránh béo phì, không mang vác nặng vì có nguy cơ gây tổn thương lên các khớp.