Phụ huynh không tự ý ngừng thuốc trẻ đang điều trị bệnh lý mạn tính nếu có. Cần đem đơn thuốc, bệnh án nếu có để bác sĩ khám sàng lọc tiêm chủng xem xét chỉ định vaccine Covid-19 phù hợp.

Đồng thời, không nên trì hoãn lịch tiêm các loại vaccine khác mà trẻ đang tiêm chủng. Đem theo sổ tiêm chủng những vaccine khác của trẻ khi đến tiêm vaccine Covid-19. Với trẻ em gái, nếu đến ngày có kinh nguyệt cũng không cần tạm hoãn tiêm chủng, trừ trường hợp đau bụng nhiều, nôn ói, mệt mỏi kèm sốt.

Trước ngày tiêm, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ sớm, giải thích về việc tiêm vaccine Covid-19, tạo tâm lý thư giãn thoải mái. Cho trẻ dùng thêm một bữa ăn nhẹ một tiếng trước khi đi tiêm để tránh chờ lâu sẽ khiến trẻ đói bụng. Trẻ có thể uống viên sủi đa vitamin hoặc vitamin C (sau ăn) trước khi đi tiêm. Nên cho trẻ uống nhiều nước vào ngày tiêm vaccine để giúp trẻ bớt sốt. Nếu không có vaccine nào khác tiêm cùng ngày thì vị trí tiêm vaccine Covid-19 nên là tay không thuận (ví dụ trẻ thuận tay phải thì nên tiêm vaccine tay bên trái) để giảm những khó khăn trong sinh hoạt học tập của trẻ do đau, nhức mỏi cánh tay sau tiêm vaccine.

Trước khi tiêm, phụ huynh phải nắm vững tiền sử tiêm chủng, dị ứng của trẻ và cung cấp chính xác cho bác sĩ khám sàng lọc.

Sau khi tiêm, cha mẹ nên quan sát theo dõi sức khỏe trẻ ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm chủng, nếu có bất cứ những triệu chứng khó chịu nào nên báo ngay cho nhân viên y tế. Sau đó phụ huynh cho trẻ về nhà nghỉ ngơi ngay, không nên đi chơi hay tham gia những hoạt động thể lực khác vào ngày tiêm chủng.

Với trẻ mắc bệnh nền, trẻ được sàng lọc theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế để kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc trì hoãn tiêm chủng. Và sau đó tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày.

Nếu quá lo lắng việc trẻ có thể gặp biến chứng, hoặc trẻ có tiền sử bệnh, phụ huynh có thể đưa trẻ đến các bệnh viện có tổ chức tiêm phòng.

Sau tiêm, trẻ có thể gặp một số phản ứng ở vị trí tiêm, như sưng nóng, đỏ, đau tại chỗ. Người nhà có thể cho uống thuốc giảm đau, sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Các phản ứng sau tiêm xảy ra tương tự như các vaccine mà trẻ được tiêm phòng trước đây.

Bộ Y tế đã cho phép tiêm vaccine Covid-19 trẻ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho trẻ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Tại TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố cho phép triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi từ ngày 22/10. Sở Y tế dự kiến tiêm tất cả trẻ trong độ tuổi này đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn, học sinh đang đi học từ lớp 6 đến 12, số lượng khoảng 780.000. Theo dự thảo, trẻ em trên toàn thành phố sẽ được tiêm mũi một trong 5 ngày.

Hiện chưa biết chính xác vaccine nào sẽ được Bộ Y tế sử dụng cho trẻ nhỏ. Các chuyên gia y tế độc lập cho rằng, các vaccine Covid-19 theo công nghệ mRNA có hiệu quả phòng ngừa cao nhưng quá mới, nên lựa chọn vaccine có công nghệ lâu đời, quen thuộc để đảm bảo tính an toàn cho trẻ.