Sáng 13/8, GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19 và an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Hội nghị kết nối đến các điểm cầu cơ sở y tế trên toàn quốc.

Thí điểm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại nhà

Trong bối cảnh tình hình dịch phức tạp như hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý cho phép thành lập các Bệnh viện dã chiến, Trung tâm hồi sức tích cực.

Đối với các địa phương, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chia tầng điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, trong đó tại tầng 1, bao gồm các bệnh viện dã chiến, các địa điểm tại cộng đồng, kể cả tại gia đình… để quản lý và chăm sóc người nhiễm COVID-19 không triệu chứng, theo điều kiện của từng địa phương.

"Tới đây chúng tôi sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác khi có ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở; để đảm bảo vấn đề quản lý và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tại nhà, ở các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng điều trị này rất quan trọng để bệnh nhân được tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Tầng điều trị thứ 2 - vô cùng quan trọng: Phải có đủ oxy cho người bệnh, thuốc kháng đông và kháng viêm

Tầng điều trị thứ 2 là các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, phục vụ những bệnh nhân có triệu chứng trung bình. "Tại các cơ sở y tế có giường bệnh ngay bây giờ phải chuẩn bị cho tình huống có nhiều ca nhiễm" - Bộ trưởng yêu cầu.

Có 3 yếu tố cực kỳ quan trọng mà tầng điều trị này phải chuẩn bị, đó là oxy; thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm.

Tầng thứ 3 là tầng điều trị hồi sức tích cực. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại yêu cầu của Bộ Y tế về việc tất cả các địa phương phải chuẩn bị cả về nhân lực và trang thiết bị cho tầng điều trị này. Riêng nhân lực phải sử dụng được máy thở xâm nhập.

Phải chuẩn bị nhân lực cao hơn 1 bước

Thứ ba, phải chuẩn bị về nhân lực cho phòng chống dịch, đặc biệt cho công tác điều trị; không nên có tâm lý trông chờ vào nguồn nhân lực chi viện.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân lực, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý phải thường xuyên, liên tục đào tạo về chuyên môn sử dụng máy thở cho nhân viên y tế; đào tạo về thực hành chia ca, chia kíp trực; đào tạo về đảm bảo phòng hộ trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ 4, về thiết lập các Bệnh viện dã chiến, Trung tâm hồi sức tích cực, Bộ trưởng lưu ý các địa phương nên chọn mặt bằng sẵn, cũng như có sẵn các trang thiết bị để trong trường hợp cần thiết triển khai ngay. UBND tỉnh, thành phố, Sở Y tế có quyền thành lập các trung tâm này ngay để phục vụ cho việc chăm sóc bệnh nhân.

Bộ Y tế đã sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, đảm bảo tiếp cận rộng rãi với tất cả các loại thuốc. Tới đây Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm, sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá là giảm nhanh nồng độ virus.

Hiện nay, các hội đồng Đạo đức, khoa học của Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai vấn đề này khi có thuốc này. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở nhập thuốc, tăng vấn đề sản xuất thuốc này khi có điều kiện sẽ sử dụng.

Ngoài ra, với các thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng hiện nay, chúng ta đang có hỗ trợ thuốc Remdesivir (đã về một đợt) và một số thuốc kháng virus khác.