Nhiều người tham gia BHYT rất vui mừng khi được hưởng quyền lợi thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không cần phải căn cứ vào nơi khám chữa bệnh ban đầu.

Không bị giới hạn bởi tuyến bệnh viện, nơi sinh sống, không còn cảnh chờ đợi làm thủ tục chuyển tuyến khá phức tạp, người bệnh được thực hiện quyền được khám chữa bệnh tại nơi mình mong muốn.

Với quy định này, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh cũng phải tự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đầu tư trang thiết bị để giữ chân người bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sau gần 1 năm triển khai chính sách thông tuyến tỉnh BHYT cũng đã có nhiều trường hợp người bệnh hiểu nhầm chính sách.

Trong quy định BHXH Việt Nam ghi rõ: người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB từ tuyến Trung ương đến tuyến xã khi điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố được quỹ BHYT chi trả 100% theo phạm vi quyền lợi. Thế nhưng, nhiều người lại nghĩ là tất cả các trường hợp khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh đều được BHYT thanh toán. Trong khi đó, chính sách quy định chỉ những đi khám và được chỉ định điều trị nội trú mới được hưởng. Mức thanh toán không phải là 100% tổng số chi phí khám chữa bệnh, mà là 100% của mức hưởng.

"Hiện có 3 mức hưởng: 100%, 95%, 80%. Chính sách quy định là được thành toán 100% mức hưởng chi phí khám chữa bệnh nội trú nghĩa là được thanh toán 100% của 3 mức hưởng trên, chứ không phải là toàn bộ chi phí khắm chữa bệnh nội trú", ông Nguyễn Trung Quý – Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam phân tích.

Như vậy, khái nhiệm “thanh toán 100%” cần được hiểu rất chính xác, để tránh những hiểu lầm từ phía người bệnh.

Hiện nay, sau gần 1 năm triển khai chính sách, qua số liệu đã có sự dịch chuyển bệnh nhân từ tuyến xã lên tuyến huyện, từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh. Trước độ mở về chính sách thông tuyến như vậy, nhiều người lo ngại về vấn đề trục lợi, ảnh hưởng xấu đến Quỹ BHYT. Cơ quan BHXH Việt Nam cũng đã nhìn nhận vấn đề này và đưa ra các giải pháp giám sát chặt chẽ.

Đó là, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin. Hiện nay với hệ thống công nghệ thông tin mà BHXH Việt Nam đang áp dụng có thể tra cứu lịch sử khám chữa bệnh, vì thế có thể nắm được các trường hợp người bệnh đi khám nhiều lần. Ngoài ra, cơ quan BHXH Việt Nam có hệ thống tổng hợp, phân tích số liệu để tìm ra dấu hiệu bất thường của 1 cơ sở khám chữa bệnh nào đó.

BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh cảnh báo trường hợp bệnh nhẹ nhưng đưa vào điều trị nội trú. Nếu việc này xảy ra sẽ bị xử lý, không được thanh toán. Thực tế, khi giám sát bệnh án, diễn biến tình trạng bệnh trong bệnh án, chỉ định thuốc, xét nghiệm... cũng biết được đó là bệnh nhân cần điều trị nội trú hay ngoại trú.

Bằng các giải pháp này, BHXH Việt Nam hy vọng về một chính sách "mở" nhưng không "lỏng".