Những ngày Tết, ngoài kia, không khí nhộn nhịp nhưng ngược lại trong bệnh viện, các bác sĩ, y tá vẫn khẩn trương với công việc. BS Đỗ Xuân Vinh – Trưởng Khoa đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Nếu ngày thường, trung bình mỗi ngày khoa có khoảng 50-60 ca sinh thì ngày Tết có khoảng 20-30 ca, chủ yếu là các ca cấp cứu, được chuyển từ tuyến dưới lên. “Mỗi khoa có khoảng hơn 10 bác sĩ, y tá và điều dưỡng trực Tết ít chỉ hơn chục người/khoa nên có thể nói cường độ làm việc vào ngày Tết gấp hai, gấp ba so với ngày thường

Hơn 10 năm làm trong ngành y là từng đấy năm chị Đinh Thị Thu Hằng – điều dưỡng trưởng khối chăm sóc khách hàng, BV Phụ sản Hà Nội đón giao thừa ở trong Bệnh viện và đón những công dân đầu tiên của Thủ đô. Niềm vui đó dường như vỡ òa cùng với cha mẹ các bé. “Thời khắc em bé sinh ra vào đêm giao thừa thiêng liêng lắm khiến chúng tôi cảm nhận đón niềm vui đó như sự sống mới báo hiệu sự khởi đầu của năm mới an toàn, vui vẻ…” – Chị Đinh Thị Thu Hằng chia sẻ.

Nhưng ít ai biết được rằng, phía sau niềm vui đó là biết bao những lo toan, vất vả của đội ngũ y bác sĩ cùng các kíp trực. Chị Đinh Thị Thu Hằng cho biết, ngày 30 Tết bao giờ cũng vất vả nhất, có khi quần quật từ sáng sớm đến tận 12h đêm bởi có nhiều thủ tục phải làm, nào là các mẹ muốn ra viện về nhà đón Tết cùng gia đình, nào là đón nhận các ca cấp cứu, chăm sóc các em bé mới sinh và sinh non… Bận rộn, vất vả nhưng càng vào thời khắc này thì công tác y tế, chăm sóc các mẹ và bé càng phải cẩn thận. “Chúng tôi cứ cố gắng hết lòng với người bệnh, các mẹ và bé bình an, đó là động lực lớn nhất với đội ngũ y bác sĩ”. Chị Đinh Thị Thu Hằng nói.

Ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có một khoa đặc biệt mà ở đó bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc rất đặc biệt, đó là Khoa Sơ sinh, chăm sóc những em bé sinh non, thiếu tháng. Theo BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, hiện Khoa sơ sinh có khoảng 80 trẻ sinh non, nhẹ cân. Vào những ngày Tết, số trẻ ở khoa không hề giảm đi, thậm chí còn có thể tăng lên vì việc sinh nở không thể dừng được, có những mẹ bầu do làm việc vất vả, căng thẳng ngày Tết mà sinh sớm. Những em bé này đều cần sự chăm sóc đặc biệt nên các bác sĩ, điều dưỡng đều phải túc trực 24/24h, kể cả ngày Tết. Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết: Ngày Tết, bố mẹ các bé đều về nhà ăn Tết nên các bác sĩ vẫn nói với các con ở lại đây thành người thân đón Tết cùng các bác.

Chị Phạm Thị Mỹ Thu – điều dưỡng ở phòng hồi sức, Khoa sơ sinh đã hơn 20 năm. Gần như năm nào chị cũng ăn Tết cùng các bé. Phần lớn các bé đều ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết nên những ngày này chị luôn phải giữ tinh thần tỉnh tảo hơn bao giờ hết, bảo đảm không xảy ra sai sót ở bất cứ công đoạn nào từ việc theo dõi nhịp tim, nhịp thở đến việc ăn uống và tiêu hóa của các bé. Có những trường hợp, bé trở nặng thì các bác sĩ, y tế còn phải căng thẳng, cân não để cứu sống bé.

Những trẻ lên cân, có tiến triển tốt sẽ được chuyển sang phòng sau hồi sức. Các bé sẽ khóc khi đói, khó chịu và khi đến giờ thay bỉm… nên các điều dưỡng luôn tay luôn chân. “Một ngày 16 bữa, 1,5h một bữa bú sữa mẹ. Sau khi mẹ vắt sữa ra bình, chúng tôi nhận và khử trùng, bảo quan đảm bảo nguồn sữa cho các bé bú không bị nhiễm khuẩn. Việc thay bỉm, cho các bạn ăn luôn phải đúng giờ nên các bạn như chuông báo thức, đến giờ là các bạn khóc nên chúng tôi như cái guồng” – Điều dưỡng Hà Thị Lan Anh cho biết.

Trong guồng quay của công việc ấy, họ tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc từ những thiên thần nhỏ và bởi thế những vất vả vì công việc ngày Tết dường như ý nghĩa hơn rất nhiều.