Người dân ở vùng sâu, vùng xa có thể được cấp cứu, điều trị ngay tại tuyến huyện

Cách đây hơn 1 năm, chị Nguyễn Thị Đào ở thị trấn Yên Minh cấp cứu vào Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang trong tình trạng đau bụng dữ dội, toàn thân bị phù nề…

Sau khi siêu âm, chụp X quang, BS Nguyễn Duy Thắng – Khoa Cấp cứu, BV Đa khoa khu vực Yên Minh chẩn đoán chị Đào bị xuất huyết tiêu hóa trên nền bị bệnh suy tim, suy dinh dưỡng nặng. Hiện tượng phù nề người xảy ra cũng do trước đó, gia đình cho bệnh nhân uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Ngay lập tức hệ thống Telehealth được kết nối, dưới sự tư vấn của BS Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, BS Thắng và ê kip đã phẫu thuật nội soi thành công kết hợp với một số phương pháp cận lâm sàng, truyền thêm máu giúp bệnh nhân Đào nhanh chóng hồi phục chỉ sau 10 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện.

Cái hôm cấp cứu bệnh viện, người chị bị sưng phù hết lên, không ăn uống gì được, chỉ ôm bụng đau đớn, người thì gầy suy dinh dưỡng vì mấy tháng trước đó chị không ăn uống được gì, cứ ăn vào là nôn ra hết. Thế mà thần kỳ, 10 ngày sau, chị đi lại được, hồi phục nhanh. Bây giờ chị khỏe hơn nhiều rồi, đã ăn được và lên cân” – Chị Nguyễn Thị Tuyết – em gái cũng là người chăm sóc cho chị Nguyễn Thị Đào phấn khởi kể lại.

BS Nguyễn Duy Thắng – BS điều trị trực tiếp cho chị Nguyễn Thị Đào cũng là một trong những bác sĩ còn trẻ của BV Đa khoa khu vực Yên Minh. BS Thắng cho biết, trước đây, những trường hợp xuất huyết tiêu hóa phải cấp cứu bằng phương pháp nội soi BV đều phải chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh để điều trị, thế nhưng, kể từ khi triển khai chương trình Telehealth, không chỉ là bệnh xuất huyết tiêu hóa mà các bệnh nặng hơn như sốc nhiễm khuẩn, suy thận do ngộ độc hay chấn thương nặng do tai nạn giao thông, trong quá trình lao động… thì anh cùng đồng nghiệp đã có thể tự tin thực hiện.

Trung bình, một tháng có 45 bệnh nhân được hội chẩn với các thầy ở Bệnh viện tuyến TW. Chính vì thế, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân điều trị tại chỗ đã được tăng lên rất nhiều, một số trường hợp thì cũng được các thầy hướng dẫn là chuyển lên tuyến trên để điều trị thì cũng rất là kịp thời cho bệnh nhân. Được sự hỗ trợ của BS tuyến TW, các thầy chỉ dẫn thì năng lực của mình được nâng lên nhiều. Có nhiều ca nặng hơn cả bệnh nhân Đào, giờ mình đã có thể tự tin thực hiện mà không phải hỏi ý kiến của các bác sĩ tuyến trến. Vì vậy, giảm bớt tình trạng biến chứng nặng ở bệnh nhân lên” – BS Thắng cho biết.

Cùng với tích cực triển khai mô hình Telehelth, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Minh đã tích cực đầu tư trang thiết bị, phát huy hiệu quả các mũi nhọn chuyên sâu, phát triển và ứng dụng các kỹ thuật mới vào chuẩn đoán và điều trị. Điển hình như kỹ thuật siêu âm 4D, tán sỏi Laze ngược dòng và hệ thống CT-Scanner, lọc thận nhân tạo, hệ thống nội soi can thiệp đường tiêu hóa..

BS Phạm Đình Phẩm – GĐ BV Đa khoa khu vực Yên Minh cho biết: kể từ khi áp dụng chuyển đổi số, số bệnh nhân phải chuyển tuyến giảm rõ rệt so với trước kia. "Bệnh viện đã triển khai được các kỹ thuật cao thì chúng tôi không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nữa, thống kê 6 tháng đầu năm thì chúng tôi chỉ có chưa đến 3 % bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, đó là những bệnh nhân vượt quá khả năng của chúng tôi".

Một trong những bước ngoặt lớn trong việc ứng dụng chuyển đổi số để điều trị cho bệnh nhân chính là triển khai máy chụp CT sọ não trong điều trị chấn thương sọ não, tận dụng giờ vàng can thiệp tránh nguy cơ biến chứng và tử vong cho bệnh nhân…

Việc điều trị chấn thương sọ não nếu không kịp thời, khẩn trương thi bn tử vong rất nhanh. Trước đây do chúng tôi ko đủ khả năng thì đã xảy ra trường hợp như vậy. Bây giờ có máy CT chụp cắt lớp, xác định rõ vị trí tổn thương chúng tôi can thiệp thì cứu sống nhiều bệnh nhân” - BS Phạm Quang Hưng – khoa Cấp cứu cho biết.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, hiện nay, cũng qua mô hình Telehealth, định kỳ 3 lần/tuần, các bác sĩ BV đa khoa khu vực Yên Minh lại tích cực hướng dẫn các đồng nghiệp tuyến dưới khám và điều trị cho bệnh nhân.

Những ca khó thì sẽ gọi điện thoại ra hỏi ý kiến bác sĩ bv huyện…Khám tư vấn từ xa đã triển khai ở xã hơn 2 tuần. Bệnh nhân đến, tôi khám sàng lọc trước, ca nào khó thì xin ý kiến tư vấn của bác sĩ” - BS Đinh Duy Khánh - Trạm y tế xã Hữu Vinh chia sẻ.

Theo BS Phạm Đình Phẩm – Giám đốc BV Đa khoa khu vực Yên Minh, hiện nay Bệnh viện vẫn tiếp tục đào tạo các bác sĩ chuyên khoa 1 theo các chuyên ngành tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt và chẩn đoán hình ảnh. Đối với chuyên ngành hồi sức cấp cứu, hiện đang có 2 ê kip bác sĩ đi đào tạo ở Bệnh viện E về chạy thận nhân tạo. Dự kiến năm 2025 Bệnh viện hoàn thành xong mô hình Bệnh viện thông minh, thay bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử.

Sự phát triển về chuyên môn, kỹ thuật của các bác sĩ BV đa khoa khu vực Yên Minh đã tạo điều kiện cho người dân ở vùng sâu, vùng xa khu vực cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ và Yên Minh được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, hạn chế rủi ro xảy ra.

Những yếu tố tạo nên thành công bước đầu trong chuyển đổi số ở Hà Giang.

BS Hoàng Quốc Cứ - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho biết: Tỉnh có 193 xã, phường, thị trấn, địa bàn rộng, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn song với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, thời gian qua ngành y tế Hà Giang đã tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, quy trình khám, chữa bệnh khoa học. Một trong những giải pháp được tập trung, đó là tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động chuyên môn, đồng thời chú trọng nâng cấp đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh.

Ngành y tế tỉnh Hà Giang đã bố trí các cán bộ, kể cả các cán bộ không phải chuyên ngành công nghệ thông tin tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số, các lớp đào tạo từ Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông nhằm nắm bắt nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời có chính sách hỗ trợ cán bộ chuyên trách làm công tác công nghệ thông tin theo NQ/139/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ động bố trí khoảng 1 % phần thu từ nguồn dịch vụ khám, chữa bệnh cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin” – Bs Hoàng Quốc Cứ nhấn mạnh.

Từ năm 2009 đến nay, ngành y tế Hà Giang, trong đó có Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang và các bệnh viện tuyến huyện đã chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống các phần mềm trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là hệ thống Telehealth trong tư vấn hội chẩn khám, chữa bệnh với các bệnh viện tuyến TW như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế triển khai hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở cho 193 xã, phường, thị trấn bằng hệ thống bác sĩ cho mọi nhà do UNDP tài trợ. Theo đó, trình độ chuyên môn của các bác sĩ các tuyến ngày càng được nâng cao người bệnh được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh chuyên sâu, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, tận dụng được giờ vàng giúp người bệnh yên tâm điều trị.

Hà Giang – một tỉnh còn nhiều khó khăn ở nước ta, việc thực hiện chuyển đổi số còn gặp những trở ngại do các yếu tố về kinh phí, thiếu nguồn nhân lực, trình độ dân trí giữa các địa bàn dân cư không đồng đều… Song chuyển đổi số sẽ là giải pháp đột phá để tạo bước chuyển mình cho y tế địa phương và người dân Hà Giang sẽ ngày càng được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao cùng với những kỹ thuật mới, hiện đại với chi phí tiết kiệm nhất có thể.