Theo Ths.BS Trương Văn Quý – Trưởng Khoa Nội nhi, Bệnh viện E, có một vòng xoắn kép tác động trực tiếp tới sức khỏe của trẻ nhỏ sống trong vùng lũ lụt. Đó chính là tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật. Sau thời gian ngập lụt nguồn thực phẩm bị thiếu hụt, khiến trẻ bị đói dài ngày. Lúc này sức đề kháng của trẻ suy giảm, dễ mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa và hô hấp. Do nhiều bệnh lý tác động, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Để tránh cho trẻ bị mắc bệnh, bác sĩ Quý khuyến cáo cha mẹ nên cố gắng đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ đủ về lượng và chất trong điều kiện có thể. Tận dụng các loại thực phẩm tương đương về giá trị dinh dưỡng để thay thế trong khẩu phần ăn của trẻ.

“Nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của mỗi trẻ phải đảm bảo có chứa protein như thịt cá,trứng hoặc trong thời gian mưa lũ thì có thể sử dụng đồ hộp. Nhóm thực phẩm thứ 2 chúng ta phải đảm bảo là các thực phẩm liên quan đến rau, củ, quả cũng phải cung cấp đủ cho trẻ. Nhóm thứ 3 là cơm, gạo hoặc mỳ… Một nguồn bổ sung protein nữa là các chế phẩm từ sữa.”– bác sĩ Trương Văn Quý nhấn mạnh.

Việc đảm bảo vệ sinh hằng ngày cho trẻ có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là việc tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch. Bởi nếu sử dụng nước ô nhiễm rất có thể sẽ khiến trẻ mắc nhiều bệnh lý. Đồng thời, các đồ dùng hằng ngày của trẻ cũng cần được vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ hết các vi khuẩn gây bệnh bám dính trên bề mặt sau khi bị ngập nước.

“Sau mưa lũ, nhiều nơi còn tồn tại các vũng nước đọng, do đó cha mẹ nên lưu ý tránh cho trẻ chạy chơi gần đó dễ bị ngã và nhiễm lạnh. Cần mặc thêm áo khoác mỏng và đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài. Đây là những biện pháp hữu hiệu phòng các bệnh về đường hô hấp cho trẻ trong điều kiện hiện nay.” – bác sĩ Quý khuyến cáo.

Tiêm văc-xin đầy đủ cũng là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Nếu trẻ bị gián đoạn mũi tiêm do bão lũ, thì ngay khi cơ sở y tế hoạt động trở lại, cha mẹ cần chủ động sớm đưa trẻ đi tiêm phòng bổ sung.