Anh Hà Mạnh Toàn, 55 tuổi ở Hà Nội có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, trung bình mỗi ngày anh hút 1-2 bao thuốc. Vì hút thuốc nhiều nên thỉnh thoảng anh Toàn lại bị ho, mỗi lần như vậy, anh thường chỉ ra hiệu thuốc mua một vài liều thuốc uống. Bệnh cũng chỉ đỡ một thời gian rồi lại tái phát. Gần đây, tình trạng bệnh nặng lên khi anh có triệu chứng ho ra máu.

Tôi bị ho ra máu cách đây 9 tháng. Gia đình đã đưa đến một bệnh viện gần nhà, bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi, phải nằm viện điều trị 12 ngày. Nhưng sau khi về nhà, tình trạng ho ra máu vẫn tiếp diễn. Mệt lắm, người bị sụt gần 10kg” – anh Hà Mạnh Toàn kể.

Một ngày đầu tháng 3, anh Hà Mạnh Toàn cấp cứu vào Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng ho ra máu với số lượng lớn khoảng 200ml/ngày, đau ngực, khó thở, mạch nhanh.

Qua thăm khám và hình ảnh chụp CT, các bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn đã hội chẩn và kết luận bệnh nhân Toàn ho ra máu do bị giãn động mạch phế quản trên nền bệnh viêm phổi. Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định can thiệp nút mạch xử trí tình trạng ho ra máu dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (viết tắt là DSA). BS Nguyễn Duy Thịnh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Thanh Nhàn cho biết đây là kỹ thuật cao, ít xâm lấn, cầm máu thành công, giúp người bệnh thoát nguy kịch, phục hồi nhanh chóng.

Trước đây, khi bị ho ra máu, bác sĩ chỉ điều trị nội khoa, sử dụng các thuốc co mạch cầm máu, tuy nhiên thời gian rất ngắn và dễ tái phát, hiệu quả cầm máu không cao. Ngoài ra còn có phương pháp phẫu thuật cắt thùy phổi. Phương pháp này là kĩ thuật xâm lấn không bảo toàn được phổi, hiệu quả cầm máu không cao. Còn đối với kỹ thuật nút động mạch phế quản, ưu điểm của phương pháp này là xâm lấn ít, hiệu quả cầm máu cao trên 90%, bệnh nhân tỉnh táo, không cần phải gây mê, tỷ lệ biến chứng ít” – BS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm.

Đầu tiên bệnh nhân sẽ được gây tê ở vùng đùi phải, dưới máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), xác định được hình ảnh của các mạch máu, các bác sĩ đưa các ống như ống thông với đường kính rất nhỏ khoảng 2-3mm vào trong lòng động mạch chủ và các nhánh động mạch phế quản chảy máu để cầm máu.

Các nhánh động mạch phế quản thường tách ra từ động mạch chủ ngực, chúng tôi luồn ống thông vào trong các nhánh chảy máu đã được xác định từ trước. Thông thường người ta sử dụng các vật liệu nút tắc vĩnh viễn hoặc tạm thời thì phần lớn chúng tôi sử dụng các vật liệu tắc vĩnh viễn, chẳng hạn như các hạt nhựa như PVA, Embozene, en, keo sinh học hoặc các vòng xoắn kim loại để gây tắc hoàn toàn các động mạch chảy máu”.

Ngay sau can thiệp 8 tiếng, anh Toàn có thể đi lại được bình thường và chuyển sang Bệnh viện phổi Hà Nội điều trị triệt để tình trạng viêm phổi. Không còn tình trạng ho ra máu, anh Toàn phấn chấn hơn, cơ thể hồi phục nhanh hơn.

Với kỹ thuật nút động mạch phế quản, BS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, các động mạch phế quản giãn ra nhỏ và ngoằn ngoèo nên việc luồn được vào các nhánh động mạch thường khó khăn, đòi hỏi bác sĩ phải có kĩ năng chuyên sâu, bài bản và thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ. Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị thành công cho khoảng 40-50 bệnh nhân bị ho ra máu, ngăn ngừa những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Kỹ thuật nút động mạch phế quản được bảo hiểm y tế chi trả hoàn toàn, mở ra cơ hội điều trị cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn./.