Mới đây, nam bệnh nhân N.V.M. (29 tuổi, ngụ xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) tử vong do mắc sốt xuất huyết sau 6 ngày điều trị.

Sốt xuất huyết tăng đột biến, bệnh viện quá tải

Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân bệnh nhân tử vong do sốc sốt xuất huyết nặng, hôn mê không đặc hiệu, phù phổi, rung thất, hội chứng suy hô hấp ở người lớn. Đáng nói, tiền sử dịch tễ của bệnh nhân khỏe mạnh.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 9.200 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 134,4% so với cùng kỳ 2021), phát hiện tổng cộng hơn 1.420 ổ dịch, đã xử lý hơn 1.380 ổ dịch (đạt tỉ lệ 97,9%).

Cùng với việc số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng đột biến, hàng trăm nhân viên y tế công lập xin nghỉ việc đã khiến nhiều cơ sở y tế tại Đồng Nai, nhất là bệnh viện có chuyên khoa điều trị sốt xuất huyết, rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cả 3 khoa cấp cứu, bệnh nhiệt đới, hồi sức tích cực - chống độc đều đang trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhi mắc sốt xuất huyết mới, trong đó có nhiều ca nặng bị sốc sốt xuất huyết nặng phải thở máy, lọc máu.

Để tăng cường hỗ trợ điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, bệnh viện phải huy động lực lượng y bác sĩ từ nhiều khoa phòng khác. Song, dù bệnh viện đã cho kê thêm giường bệnh nhưng toàn bộ gần như được lấp đầy, thậm chí phải nằm ghép.

Cảnh giác với dịch sốt xuất huyết

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền - trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - cho biết hiện khoa đang tiếp nhận, điều trị cho khoảng 120 - 130 bệnh nhi, riêng sốt xuất huyết chiếm 2/3 tổng số bệnh nhi. Ngoài số ca mắc tăng cao, điểm đáng chú ý năm nay là có nhiều ca bị sốc nặng.

Tương tự, tại khoa hồi sức tích cực - chống độc cũng quá tải từ lâu do bệnh nhân đông, nhân lực y tế thiếu. Bác sĩ Phạm Thị Kiều Trang - trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc - cho hay hiện khoa đang điều trị cho gần 20 bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nặng, có trường hợp phải thở máy.

"Bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng một phần do cơ địa. Ngoài ra, nhiều trường hợp phát hiện trễ, điều trị không tới, đến lúc phát hiện bệnh đã trở nặng, gây sốc" - bác sĩ Trang nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Tài - phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết nguyên nhân sốt xuất huyết tăng cao do năm nay rơi vào đỉnh dịch theo chu kỳ 3-5 năm.

Cũng giống với COVID-19, sốt xuất huyết không có miễn dịch trọn đời, sau khoảng 2-3 năm sẽ hết miễn dịch khiến dịch bùng phát trở lại. Không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới cũng theo xu hướng này.

Về giải pháp, ông Tài cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch và điều trị, tăng cường tuyên truyền. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là phải cảnh giác đối với dịch sốt xuất huyết, kể cả người dân và nhân viên y tế.

"Mấy năm nay do tập trung phòng chống COVID-19 khiến người dân lơ là, mất cảnh giác. Do đó, chúng tôi yêu cầu toàn bộ nhân viên y tế và người dân cần nâng cao cảnh giác, đẩy mạnh phòng chống diệt lăng quăng, muỗi để kéo giảm bệnh. Đồng thời, phải phát hiện sớm, điều trị đúng bài bản, tránh điều trị tạm bợ, không đúng khiến bệnh trở nặng, nguy cơ tử vong cao hơn" - ông Tài nhấn mạnh.