Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.300 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện điều trị (chủ yếu ghi nhận ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi), có 2 trường hợp tử vong.

Anh V.Đ, ở thành phố Biên Hòa cho biết, con trai anh (8 tuổi) khi đi học về bị sốt cao. Do nghĩ con bị Covid-19 từ bạn học nên gia đình làm xét nghiệm nhanh cho bé nhưng kết quả âm tính. Sau đó, gia đình tự mua thuốc về điều trị tại nhà nhưng bệnh tình của bé không giảm.

Khoảng 3 ngày sau, bé sốt nặng hơn, gia đình vẫn nghi ngờ do COVID-19 nên tiếp tục làm xét nghiệm nhanh cho con. Tuy nhiên, kết quả vẫn âm tính. Lúc này, gia đình anh Đ. mới đưa bé đi bệnh viện khám và được bác sĩ thông báo bé bị sốc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị.

Bác sĩ Phạm Thị Kiều Trang - Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - cho biết gần nửa tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 4-5 bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết. Nguyên nhân là do nhiều người bị nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và COVID-19.

Cả 2 bệnh này khi mới mắc ở giai đoạn đầu triệu chứng sẽ tương đối giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như sốt, đau đầu, đau mỏi người… Vì vậy, người bình thường sẽ khó phân biệt được.

Theo bác sĩ Trang, triệu chứng phổ biến của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban. Trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nếu diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng ngủ li bì, hạ đường huyết… dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.

Do đó, khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán, điều trị; tuyệt đối không tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

BS Nguyễn Phước Trương Nhật Phương - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai - cho biết ngoài việc người dân dễ nhầm lẫn giữa 2 bệnh thì trẻ còn có nguy cơ đồng thời vừa mắc COVID-19 vừa mắc sốt xuất huyết. Tùy từng trường hợp, nếu bệnh nào diễn tiến nặng hơn thì bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị bệnh đó trước.

Nếu trường hợp cả 2 bệnh đều diễn tiến nặng thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, phức tạp. Do đó, người dân cần hết sức chú ý, hiểu rõ tính chất của từng bệnh để nhận biết sớm, tránh để bệnh có biến chứng nặng mới đưa trẻ nhập viện, đồng thời cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.