Theo công văn của Cục Quản lý khám chữa bệnh, người lao động là F0 muốn hưởng chế độ ốm đau phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại Thông tư 56/2017 theo hướng dẫn sau:

- Người lao động xin cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Sau khi hoàn thành cách ly, điều trị tại nhà, người lao động là F0 cần liên hệ trung tâm y tế, trạm y tế chăm sóc, quản lý để xin cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Nếu được cấp không đúng mẫu quy định, người lao động được đề nghị cơ sở y tế cấp lại.

- Tiếp đó, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho doanh nghiệp trong 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Theo quy định tại Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, người lao động phải nộp cho doanh nghiệp bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Nếu nộp muộn khiến doanh nghiệp chậm nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, phải giải trình lý do bằng văn bản.

Sau khi nhận hồ sơ từ người lao động, doanh nghiệp sẽ lập thêm mẫu số 01B-HSB và gửi toàn bộ hồ sơ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong 10 ngày làm việc.

- Thời hạn để cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết trả trợ cấp cho người lao động là tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ.

Số tiền trợ cấp được tính theo công thức như sau: Mức hưởng = 75% x Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ/24 ngày x số ngày nghỉ.

Bên cạnh đó, người lao động còn được nhận tiền dưỡng sức sau khi điều trị COVID-19 trong trường hợp sau:

Sau khi điều trị COVID-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày (theo điều 29 của Luật bảo hiểm xã hội 2014).

Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.