TS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng khoa phẫu thuật thần kinh 1, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Hội đau đầu thế giới thế giới thống kê có trên 70 nguyên nhân gây đau đầu khác nhau và chia thành nhóm cơ bản sau:

Nguyên nhân tại não: các tổn thương trong não như khối u não, các bệnh lý về mạch máu não, chấn thương sọ não. Các bệnh lý toàn thân cũng có thể là nguyên nhân gây đau đầu như: sốt, mất nước, tăng men gan, các bệnh lý như suy thận, nhiễm trùng hoặc nhiễm độc. Trầm cảm, stress, rối loạn giấc ngủ được xếp vào nhóm nguyên nhân về tâm thần.

Nếu đau đầu ở người lớn do nguyên nhân về tâm lý hoặc tổn thương thực thể trong não thì ở trẻ em đau đầu do các bệnh lý nhiễm trùng gây ra lại phổ biến hơn, ví dụ sốt cao gây đau đầu, viêm xoang, viêm amidan, sốt virus gây đau đầu. Nguy hiểm hơn thì những chấn thương vùng đầu, các bệnh lý về mạch máu não cũng làm trẻ đau đầu.

TS Nguyễn Thanh Xuân cũng cho biết: rất nhiều người đến thăm khám đều thắc mắc: làm thế nào để phân biệt tình trạng đau đầu của mình có nguy hiểm hay không? Theo BS Xuân, những cơn đau đầu có biểu hiện dữ dội, xuất hiện đột ngột; đau đầu kèm theo những cơn co giật hay hôn mê, liệt nửa người không nói được thì đấy là những dấu hiệu nguy hiểm.

Khi đau đầu thì mọi người thường uống thuốc giảm đau. Tuy nhiên TS.BS Nguyễn Thanh Xuân khuyến cáo: Trong những cơn đau đầu lành tính, có thể dùng Paracetamol - một trong những nhóm an toàn và lành tính, ít tác dụng phụ trên cơ thể nhất.

Nếu như cơn đau thuyên giảm, có thể tạm thời yên tâm nhưng nếu sau khi dùng Paracetamol mà vẫn bị đau đầu kèm theo thêm những triệu chứng khác thì lúc này nên đi khám để bác sĩ có những chẩn đoán và điều trị một cách chính xác nhất.