Thạc sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Tính đến nay, Việt Nam đã có 242.000 ca nhiễm HIV và 112.368 ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi tháng ghi nhận gần 1.000 người nhiễm HIV mới, trong đó hơn 80% bị lây nhiễm qua con đường tình dục, đặc biệt tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Đáng chú ý, số người nhiễm HIV mới phát hiện đến tháng 10/2022, có tới 36% ca tại Đồng bằng sông Cửu Long, 28% ca tại thành phố Hồ Chí Minh. Lý giải thực trạng này, ông Sơn cho biết, hiện khu vực TP.HCM và Đồng Bằng Sông Cửu Long tập trung nhiều khu công nghiệp, thanh niên ở các tỉnh thành khác đổ về đây làm việc đông. Do vậy, quần thể nam quan hệ tình dục đồng giới ở 2 khu vực này cũng tăng cao. Và khi hành vi nguy cơ cao tăng sẽ dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng này tăng.

Bên cạnh đó, HIV có xu hướng trẻ hóa nhanh, ở nhóm người dưới 30 tuổi (những năm 2012-2013) tỷ lệ nhiễm HIV chỉ dưới 5%, nhưng đến năm 2022, con số này tăng rất cao lên 50%. Đây là nhóm đối tượng hiểu biết về các biện pháp dự phòng HIV/AIDS còn hạn chế, đồng thời cũng là nhóm khó tiếp cận, do các em sợ lộ thân phận. Khiến việc tiếp cận, truyền thông về HIV/AIDS trong nhóm MSM chưa cao.

Ông Võ Hải Sơn nhận định, để giảm số ca nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 người/năm là một thách thức rất lớn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Để đạt được mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ rất nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt chú trọng tới 2 nhóm giải pháp chính là: tăng cường và bao phủ chương trình dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (gọi tắt là chương trình dự phòng Prep) và đẩy mạnh công tác phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV trong nhóm MSM, để khi phát hiện 1 trường hợp mắc HIV ngay lập tức chuyển gửi họ tham gia điều trị ARV, từ đó ngăn chặn nguồn lây ra cộng đồng.

Tuy nhiên, ước tính cộng đồng nam quan hệ đồng giới chiếm khoảng 1% dân số nam, tức là có khoảng từ 250.000-300.000 người MSM. Thế nhưng hiện mới có khoảng 31.000 trường hợp được tiếp cận với biện pháp dự phòng Prep. Nguyên nhân là do, chương trình điều trị dự phòng Prep mới được triển khai ở 33 tỉnh, thành trên cả nước. Trong khi quần thể MSM có rải rác từ Bắc vào Nam. Như vậy, còn khoảng một nửa số tỉnh, thành chưa có chương trình điều trị dự phòng Prep. Đây cũng là một trong những hạn chế cần khác phục trong thời gian tới, để nâng tỷ lệ bao phủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng này.

Ths Võ Hải Sơn cũng chỉ ra thêm một khó khăn nữa đó chính là việc nhận thức và chủ động tìm kiếm các biện pháp dự phòng HIV/AIDS của nhóm MSM còn rất thấp. Các bạn chưa ý thức được tầm quan trọng của các biện pháp dự phòng này đối với sức khỏe của bản thân. Do đó, việc lây nhiễm HIV từ người MSM này sang người MSM khác rất dễ dàng.

"Nếu như họ nhận thức đầy đủ và họ có các nguy cơ thì họ phải chủ động đến với các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV. Thì phải từ hai phía, phía cơ quan cung cấp dịch vụ mà làm sao mở rộng được càng nhiều địa điểm cung cấp dịch vụ càng tốt. Thứ hai là từ phía người MSM là chủ động tìm kiếm dịch vụ và nhận thuốc để uống thuốc cũng như là họ sẽ ý thức tuân thủ việc chúng ta điều trị thuốc đều đặn thì mới có hiệu quả đúng"- ông Võ Hải Sơn nhấn mạnh

Khát vọng chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

Mặc dù mục tiêu giảm số ca nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp /năm là thách thức rất lớn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS của nước ta. Tuy nhiên không phải là bất khả thi.

Trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không nhiễm HIV và khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS. Nước ta là một trong những quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ; đồng thời cũng là nước thứ hai trong khu vực ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS từ năm 1995. Đặc biệt, tháng 8 năm 2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 1246 phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đây là những tiền đề vững chắc để chúng ta tiếp tục nỗ lực tiến về đích.

Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu “Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực để phát huy những mô hình, những dự án, những kỹ thuật chúng ta đang làm chủ, không chủ quan lơ là với đại dịch và chung tay đồng lòng đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

"Chúng tôi luôn kêu gọi sự chung tay của toàn cộng đồng, đặc biệt là các nhóm cộng đồng MSM bởi đây là cầu nối quan trọng để kết nối những người MSM đến với các dịch vụ chăm sóc dự phòng HIV. Chúng tôi tự tin có khả năng đạt được mục tiêu vào năm 2030 phát hiện dưới 1.000 người nhiễm mới"- ông Võ Hải Sơn khẳng định.