Con trai chị Lâm Thị Thúy ở huyện Thanh Trì – Hà Nội hơn 4 tuổi, cậu bé nhanh nhẹn và rất hiếu động. Nghe người lớn nói chuyện chuẩn bị Tết nguyên đán, rồi ở lớp cô giáo dạy bé thế nào là Tết, là Xuân nên bé chỉ mong Tết đến thật nhanh. Nghe con líu lo về Tết, cả nhà đã thấy không khí Xuân rộn ràng. Nhưng nghĩ tới chuyện đi chơi Tết năm trước, chị Thúy và chồng lại lo lắng: “Bé mải chơi, quên ngủ. Ban ngày thì không sao nhưng chập tối đã ngáp ngắn ngáp dài, đòi ngủ mà nếu không được ngủ thì quấy khóc nhèo nhẽo”. Cả năm có mấy ngày Tết, nên dù con có thiếu ngủ, nhiều bậc cha mẹ cũng đành tặc lưỡi bỏ qua.

Thế nhưng, theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng - Trường phòng khám Dinh dưỡng VIAM, giấc ngủ lại rất quan trọng với sức khỏe của trẻ: “Trẻ nhỏ có hệ thần kinh đang được phát triển và hoàn thiện dần những năm đầu đời. Khi ngủ hệ thần kinh sẽ được nghỉ ngơi và phát triển. Hormone tăng trưởng trong khi ngủ sẽ bài tiết cao gấp 4 lần khi thức, giúp trẻ phát triển nhanh. Khi trẻ ngủ, hệ tiêu hóa, miễn dịch làm việc, thu nhận các chất dinh dưỡng và giúp hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể phát triển. Mất ngủ gây nên các rối loạn chức năng trên, ảnh hệ tiêu hóa, miễn dịch, thần kinh làm trẻ chậm lớn, quấy khóc, hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, gây biếng ăn, thiếu chất, và tạo vòng xoắn bệnh lý”.

Một nguyên nhân rất hay gặp của mất ngủ, không ngủ ngon ở trẻ em trong những tháng đầu sau sinh là bệnh còi xương, do thiếu vitamin D và một số vi chất dinh dưỡng quan trọng khác: trẻ hay quấy khóc, khóc dạ đề... nếu được khám và điều trị kịp thời thì bệnh khỏi rất nhanh và không để lại biến chứng.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh đưa ra lời khuyên, giúp cha mẹ có thể tạo cho con thói quen ngủ ngoan và tốt: “Tạo cho trẻ thói quen tự đi ngủ, ngủ đúng giờ giấc rất quan trọng, đó là lúc 11h đêm đến 3 giờ sáng, đặc biệt khi trẻ 2-3 tuổi lúc này thói quen được hình thành. Nếu tạo thói quen không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chiều cao cũng như nhận thức của trẻ. Phòng ngủ phải yên tĩnh, thoáng khí, tránh các tiếng ồn điện thoại, tivi. Trước khi bé ngủ, bố mẹ nên nằm cùng, có thể hát một bài hát ru và hôn chúc bé ngủ ngon”.

Đặc biệt, trong dịp Tết lời khuyên của BS Nguyễn Xuân Ninh với các cha mẹ đó là cần đảm bảo tốt giấc ngủ cho bé cho dù có đi chơi Xuân. “Không được cắt giấc ngủ của trẻ, tạo điều kiện tối ưu cho trẻ được ngủ tốt. Thức ăn quen thuộc cho trẻ cân được mang theo: sữa, thức ăn nhanh, có bữa ăn ấm đầy đủ trước ngủ 30 phút. Mang theo đồ dùng quen thuộc: gối, gấu bông (đồ chơi trẻ ôm khi ngủ). Chú ý sức khỏe của trẻ, giữa ấm khi thời tiết lạnh, hạn chế nơi đông người, không khí ô nhiễm, chú ý đeo khẩu trang vui chơi an toàn khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.

Không thể coi thường việc rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc của trẻ. Nên đi khám bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng ngay nếu thấy vấn đề bất thường.

Tùy theo tháng tuổi mà nhu cầu ngủ khác nhau, trẻ càng nhỏ ngủ càng nhiều, sau đó số giờ ngủ sẽ giảm dần khi trẻ lớn hơn.

- Trẻ sơ sinh 1- 4 tuần tuổi: Ngủ từ 16-18 giờ/ngày, mỗi giấc ngủ kéo dài từ 2 – 4 giờ.

- Trẻ từ 1 – 4 tháng tuổi: Ngủ từ 14 – 15 giờ/ngày, giấc ngủ từ 4 – 6 tiếng, ngủ nhiều hơn vào tối.

- Trẻ từ 4 tháng tới 1 tuổi: Ngủ đêm nhiều hơn ngày, 14 –15 giờ/ngày.

- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: Ngủ từ 12 – 14 giờ/ ngày. Trẻ cần ngủ trưa 30 phút/ngày. Buổi tối ngủ khoảng 8 giờ và thức dậy từ khoảng 6 - 8 giờ sáng.

- Trẻ từ 3 – 6 tuổi: Ngủ 10 - 12 giờ/ ngày. Từ 3 tuổi trẻ đã hình thành thói quen ngủ.

- Trẻ từ 6 – 12 tuổi: Ngủ 10 - 11 giờ/ ngày. Giai đoạn này, trẻ cần được ngủ đủ từ 9 – 12 giờ/ ngày.

- Trẻ từ 12 – 18 tuổi: Cần ngủ 8 – 9 tiếng mỗi ngày. Khi 16 tuổi, trẻ chỉ còn ngủ 8 giờ/ngày.