Bác sĩ Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện tổng số bệnh nhân đang được điều trị tại cơ sở này là 200 người. Trong đó, số 150 ca ở mức độ nặng, 50 trường hợp ở mức độ nguy kịch, phải thở máy và hỗ trợ các chức năng sống. Hầu hết đều là bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền, chưa được tiêm vaccine hoặc chưa đủ liều. Bên cạnh đó, cũng có một số bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý cấp tính tại các bệnh viện và bị nhiễm Covid-19 dẫn đến diễn biến nặng.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 30 đến 50 bệnh nhân nặng, tăng khoảng 10% so với trước đây. Tuy nhiên, thực tế này không bất ngờ đối với các y bác sĩ và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bệnh viện. Song, bác sĩ Hải nhận thấy, nhiều người có tâm lý lo lắng quá mức khi mắc Covid-19 và “nằng nặc” đòi nhập viện trong khi hoàn toàn có thể theo dõi, điều trị tại nhà. Mỗi ngày chúng tôi nhận rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến tư vấn. Có những trường hợp chúng tôi thấy người nhà lo lắng quá, mô tả sự việc quá mức bình thường, đến khi hỏi lại bệnh nhân thì không đến mức như thế. Có những những trường hợp không thể thuyết phục được, khi đến viện thì không thấy bệnh nhân có dấu hiệu nặng. Vì vậy, người dân nên bình tĩnh, tham khảo thông tin từ các đơn vị quản lý sức khỏe bệnh nhân Covid-19 tại nhà như y tế phường, y tế cơ sở hoặc qua các App tư vấn sức khỏe. Chỉ nhập viện khi cần thiết, điều này giúp cho bệnh viện không bị quá tải và nhân viên y tế có điều kiện chăm sóc bệnh nhân tốt hơn” – BS Hoàng Bùi Hải chia sẻ.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội (được Sở Y tế phân công điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng) đang điều trị khoảng 110 bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày 15 trường hợp nặng nhập viện. Bệnh viện có khoảng 250 giường hồi sức tích cực (ICU) và 150 giường tầng hai.

Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, đang điều trị khoảng 140 bệnh nhân Covid-19 nặng. Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 ca nặng. Số giường ICU tại đây là 250.

Hai BV này hiện vẫn còn giường trống để tiếp nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Cũng theo bác sĩ Bùi Hoàng Hải, do sự lây lan dễ dàng của chủng Omircon nên hiện nay rất nhiều nhân viên y tế của bệnh viện bị lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động điều trị bệnh nhân Covid-19, các trường hợp không triệu chứng và đảm bảo sức khỏe vẫn tham gia chống dịch và được bố trí công việc phù hợp. Ngoài ra, nhiều cán bộ, nhân viên từ các đơn vị y tế khác và sinh viên trường Đại học Y Hà Nội vẫn đang hỗ trợ nhân lực cho Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19. Đồng thời, hiện nay nhiều bệnh viện ở các tỉnh, thành phía Bắc đã thực hiện mô hình bệnh viện chia đôi và thành lập các đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. “Những trường hợp bệnh nhân xét nghiệm âm tính nhưng vẫn đang phải thở máy thì chúng tôi cũng liên hệ để các bệnh viện khác tiếp nhận và điều trị để chúng tôi có thể đón tiếp những bệnh nhân nặng chuyển đến” – BS Hoàng Bùi Hải cho biết.

Về cơ sở vật chất, Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 đã chuẩn bị sẵn 500 giường, chia thành 19 đơn vị, mỗi đơn vị đều có giường ICU, giường cho bệnh nhân nặng và phòng áp lực âm cho các trường hợp đặc biệt.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh, khác với đợt dịch ở TP Hồ Chí Minh, hiện nay do phần lớn người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 nên đa số người nhiễm đều ở mức độ nhẹ, các triệu chứng tương tự như cảm cúm và có thể tự theo dõi, điều trị tại nhà. Mặc dù gần đây số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc tăng cao song các bệnh viện chưa bị quá tải và vẫn còn năng lực tiếp nhận các bệnh nhân mắc Covid-19 có chỉ định nhập viện. Do đó, mọi người không nên quá lo lắng về nguy cơ không được điều trị tại cơ sở y tế mà tự ý dùng thuốc được cho là để phòng Covid-19.

“Thời gian qua, chúng tôi cũng gặp một số trường hợp dùng đủ các loại thuốc theo hướng dẫn trên mạng xã hội. Có 2 thái cực: thứ nhất là tự tin vào thuốc quá mà không đến bệnh viện khi có dấu hiệu trở nặng dẫn đến nhập viện muộn. Thái cực thứ 2 là tự ý uống các loại thuốc điều trị quá sớm dẫn đến các tác dụng phụ như có người loạn thần vì dùng thuốc kháng virus, có người tăng đường huyết, tăng huyết áp khi uống thuốc corticoid. Chúng tôi cho rằng khi cần sử dụng những thuốc như chống đông, corticoid, thuốc kháng virus thì người bệnh nhất thiết phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, đúng người, đúng thời điểm. Vì nếu sử dụng không đúng thì thuốc chống đông có thể gây chảy máu, corticoid gây tăng đường máu hoặc những trường hợp bệnh nhân có bệnh nền tiềm ẩn thì có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.” – BS Hoàng Bùi Hải khuyến cáo.