Tại cuộc họp chiều 29/11, Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất chỉ đạo các cơ quan điều trị F0 ở cơ sở xã, phường, thị trấn; đồng thời điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà.

Ngành Y tế chuẩn bị sẵn sàng phương án theo dõi, phân luồng, cơ số thuốc điều trị để hạn chế tối đa bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị; thường xuyên cập nhật trên phần mềm theo dõi, quản lý F0 của thành phố.

Trước đó, Hà Nội đã công bố phương án tổ chức điều trị đáp ứng 100.000 ca bệnh. Lãnh đạo thành phố cho hay, nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, Hà Nội sẽ chia ra 4 cấp độ điều trị cho các F0. Trong đó, Bệnh viện thành phố cấp độ 1; bệnh viện tuyến quận, huyện cấp độ 2; trung tâm y tế xã, phường, thị trấn cấp độ 3; cấp độ 4 là điều trị tại nhà (khi quá tải hoặc theo phương án thí điểm).

Về điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở (trạm y tế lưu động), đến ngày 29/11 đã có 4 huyện triển khai, trong đó Hoài Đức 39 ca; Sóc Sơn 8; Mỹ Đức 7; Thanh Trì 2.

Từ đầu tháng 12, tất cả các địa phương còn lại ở Hà Nội sẽ thu dung, điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở (thành phố chỉ điều tiết F0 tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).

Về cách ly F1 tại nhà, các quận, huyện đã rà soát hơn 1,9 triệu hộ dân ở 26 quận, huyện và ghi nhận 778.781 hộ đủ điều kiện; hiện 5.585 F1 ở Hà Nội đang cách ly tại nhà.

Từ ngày 21/11 đến 29/11, Hà Nội phát hiện 2.267 ca nhiễm, trong số này người đã tiêm hai mũi là 1.402 trường hợp (61,8%), 213 trường hợp tiêm một mũi (9,4%).

Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 có xu hướng gia tăng nhanh. Cụ thể, giai đoạn từ 11/10 đến 29/11, toàn thành phố ghi nhận thêm 22.621 F1, trong đó 3.371 F1 chuyển thành F0. Như vậy, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 giai đoạn này chiếm 14,9%; cao hơn so với tỷ lệ F1 chuyển thành F0 giai đoạn từ 29/4 đến 10/10.

Trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một số ổ dịch cộng đồng phức tạp, bùng phát nhanh, không rõ nguồn lây, liên quan nhiều đơn vị và nhiều sự kiện tập trung đông người.

Hôm nay 29/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cũng ra văn bản thí điểm cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà hoặc nơi lưu trú, thời gian trong tháng 12/2021.

Sau thời gian thí điểm, Sở Y tế Đà Nẵng sẽ sơ kết và tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố xem xét, quyết định triển khai rộng rãi phù hợp với năng lực đáp ứng và tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Đà Nẵng đã triển khai Ứng dụng hỗ trợ người cách ly và một số ứng dụng khác với F1 cách ly tại nhà. Do đó, lãnh đạo thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai các ứng dụng quản lý, giám sát, theo dõi sức khỏe F0 đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà.

Hiện Đà Nẵng ở cấp độ dịch 2 (vùng vàng), với số bệnh nhân mắc Covid-19 ba ngày qua dao động trên 65-66 ca. Thành phố đã tiêm vaccine mũi một cho hơn 98% người trên 18 tuổi; trên 75 % người đã được phủ đủ hai mũi vaccine.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế, đa số các bệnh nhân nhập viện điều trị Covid-19 lần này ở thể nhẹ và không triệu chứng. Một số bệnh nhân nặng nhưng rơi vào nhóm lớn tuổi, có bệnh nền và chưa được tiêm chủng.

Thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung điều trị và đảm bảo số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả y tế tư nhân), sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Ngoài ra, các quận, huyện có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và sẵn sàng cung cấp oxy cho các trạm y tế xã, phường để đáp ứng khi có dịch xảy ra.