Bác sỹ Phạm Thanh Tâm - Trung tâm Cấp cứu và chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị biến chứng do dùng thuốc nam như là hoại tử vùng bỏng, vết bỏng bị viêm ăn cả vào xương và thậm chí là tử vong vì nhiễm trùng máu, nhiễm trùng toàn thân.

Những hậu quả đáng tiếc này chỉ vì sai lầm trong quá trình cấp cứu và tự ý chữa bỏng tại nhà theo cách dân gian.

Nhiều gia đình đã chườm đá trực tiếp lên vùng bỏng hoặc dùng nước đá để ngâm. Đây là một sai lầm vì vô hình chung khiến em bé bị thêm một lần bỏng nữa là bỏng nhiệt lạnh. Và trẻ cũng phải đối mặt với nguy cơ bị hạ nhiệt độ.

Sai lầm thứ 2 là nhiều người hay dùng các vật dụng có sẵn như nước mắm, kem đánh răng, giấm… Có người còn bôi lòng đỏ, lòng trắng trứng gà hoặc là mỡ trăn. Bác sỹ Phạm Thanh Tâm khẳng định: đây là những chất không có tác dụng chữa bỏng mà ngược lại đây còn là chất dẫn truyền, “đường vào” cho vi khuẩn, các loại ruồi bọ, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Không chỉ vậy, nhiều người còn dùng tăm, kim khâu để chọc vùng da bị phồng rộp. Đây cũng là cách khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào vết bỏng, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Bác sỹ Phạm Thanh Tâm hướng dẫn các bố mẹ cách sơ cấp cứu khi không may con em mình bị bỏng như sau:

-Di chuyển em bé ra khỏi vùng nguy hiểm.

-Bình tĩnh ngâm vùng bị bỏng vào nước thông thường trong vòng 10-15 phút.

-Không vội vàng cởi quần áo của em bé vì có thể làm trợt thêm vùng da bị tổn thương mà dùng kéo cắt quần áo. Trong trường hợp quá khó, không cởi quần áo trẻ bằng mọi cách.

-Có thể bôi chút thuốc mỡ chuyên dụng chữa bỏng.

-Đắp gạc sạch vô trùng lên trên vùng bị bỏng để tránh những nhiễm trùng, tổn thương thêm.

Trong 24 giờ đầu tiên sau bỏng em bé có thể phải đối mặt với nguy cơ bị sốc, mất nước, mất điện giải, quấy khóc. Vì vậy, gia đình cần chú ý bù điện giải bằng dung dịch oresol, nước dừa hoặc nước ấm. Cho em ăn uống đầy đủ, và có thể sử dụng thêm vitamin C để trẻ sớm hồi phục.

Nghe chia sẻ của bác sỹ Phạm Thanh Tâm ngay dưới đây: