55% trẻ em mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên trẻ mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ, vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

Hội chứng viêm hệ thống đa cơ quan (MIC-S) ở trẻ mắc Covid-19 hiếm gặp, xảy ra chủ yếu 2-6 tuần sau nhiễm, diễn tiến nặng có thể tử vong.

Triệu chứng lâm sàng ở trẻ mắc Covid-19 gồm: Thời gian ủ bệnh 2-14 ngày, trung bình là 4-5 ngày.

Giai đoạn khởi phát, có một hay nhiều triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng.

Các triệu chứng khác ít gặp hơn: tổn thương da niêm (hồng ban các đầu ngón chi, nổi ban da...); rối loạn nhịp tim; tổn thương thận cấp; viêm thanh mạc (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim); gan to, viêm gan; bệnh não (co giật, hôn mê hoặc viêm não).

Giai đoạn tiến triển, hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh. Trong đó một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như: hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, và hội chứng viêm đa hệ thống.

Các yếu tố tiên lượng nặng trẻ béo phì, trẻ chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh... Tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (dưới 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền.

Thời kỳ hồi phục, thường trong giai đoạn ngày thứ 7 đến 10, nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 cho trẻ em

Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ, ban hành ngày 8/11, Bộ Y tế xác định 4 mức độ bệnh gồm:

Mức độ nhẹ: Trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng không điển hình như sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/vị giác, không có triệu chứng của viêm phổi.

Nhịp thở trẻ bình thường, không có biểu hiện của thiếu oxy, SpO2 trên 96% khi thở khí trời. Trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình, bú mẹ, ăn uống bình thường. Chụp X-quang phổi bé bình thường. Tuy nhiên, trẻ có bệnh nền: béo phì, bệnh phổi mãn, suy thận mạn, gan mật, dùng corticoid kéo dài, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh... theo dõi sát vì dễ diễn biến nặng.

Trẻ nhẹ thì điều trị tại nhà hoặc nơi cách ly.

Mức độ trung bình: Trẻ có triệu chứng viêm phổi nhưng không có dấu hiệu viêm phổi nặng và rất nặng, SpO2 94 - 95% khi thở khí trời. Trẻ tỉnh táo, mệt, ăn uống ít hơn. Chụp X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ, thường ở 2 đáy phổi.

Nhóm trẻ này cần được đưa đến viện, có thể dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như oxy gọng kính, dùng thuốc kháng sinh, remdesivir...

Mức độ nặng: Trẻ có một trong các dấu hiệu gồm triệu chứng viêm phổi nặng song chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng. Trẻ thở nhanh kèm co rút ngực hoặc thở rên, phập phồng cánh mũi, khó chịu, quấy khóc, ăn uống khó. SpO2 từ 90 đến dưới 94%. Chụp X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ lan tỏa trên 50% phổi.

Mức độ nguy kịch: Trẻ có các dấu hiệu như suy hô hấp nặng SpO2 dưới 90%, cần đặt nội khí quản. Các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng như tím tái, thở bất thường, rối loạn nhịp thở, ý thức giảm khó đánh thức hoặc hôn mê, bỏ hoặc không ăn uống được. Trẻ có thể mắc hội chứng suy hô hấp tiến triển, huyết áo tụt, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, hội chứng viêm hệ thống, cơn bão cytokin.

Trẻ nặng và nguy kịch cần điều trị tại ICU, dùng thuốc, hỗ trợ hô hấp theo chỉ định bác sĩ.

Nguyên tắc là phân loại trẻ bệnh theo mức độ và điều trị theo mức độ nặng của bệnh. Bệnh nhi xuất hiện cơn bão cytokin, điều trị bằng corticoid, lọc máu... Bác sĩ phải cân nhắc khi điều trị chống đông ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 12 tuổi.

Theo Bộ Y tế, hiện nay giới khoa học đã hiểu rõ hơn về nCoV từ cách lây truyền, cơ chế gây bệnh... Các nhà khoa học đã đưa ra được những biện pháp điều trị như thuốc diệt virus, ngăn chặn cơn bão cytokin, điều trị biến chứng huyết khối... Tuy nhiên, việc điều trị bệnh vẫn hết sức khó khăn, cần tiếp tục nghiên cứu.

Biện pháp phòng bệnh giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong là tuân thủ 5K, kết hợp với tiêm vaccine cho trẻ, phát hiện sớm và phân tầng điều trị bệnh nhân phù hợp với mức độ nặng của bệnh.