Cụ thể, các cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN phải thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xã theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia. Từ đó xem xét quyết định cho phép cơ sở sản xuất kinh doanh và KCN có được phép tiếp tục sản xuất hoặc dừng sản xuất để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Các cơ ở sản xuất kinh doanh, KCN tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 hàng tuần cho toàn bộ người lao động và báo cáo kết quả cho Sở Y tế.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN phải quản lý chặt chẽ người lao động đi, đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao. Yêu cầu phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong KCN.

Khi vận chuyển người lao động phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch như sử dụng dưới 50% công suất vận chuyển, hạn chế sử dụng điều hòa, mở cửa sổ nếu có, đồng thời thường xuyên vệ sinh khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần đưa đón người lao động. Thực hiện nguyên tắc 5K khi vận chuyển người lao động.

Khi có ca mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN, trước khi đưa các trường hợp tiếp xúc gần F1 đi cách ly y tế thì phải thực hiện phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng và mức độ nguy cơ tiếp xúc. Những nhóm có cùng nguy cơ bố trí cách ly y tế trong cùng phân khu.

Đơn cử như ở Bắc Giang và Bắc Ninh, khi số lượng các trường hợp F1 vượt quá năng lực cách ly của địa phương, có thể áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung ngay tại khu vực như ký túc xá hay khu nhà trọ của người lao động là F1. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đối với khu cách ly y tế tập trung, lắp camera giám sát, yêu cầu không ra khỏi nơi cư trú, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây lan rộng ra cộng đồng.