Ngoài một số cơ điều trị ở TP.HCM đã triển khai chương trình điều trị phục hồi chức năng cho người mắc Covid-19, ở miền Bắc từ ngày 1/1/2022 vừa qua, Đơn vị Phục hồi chức năng (PHCN) hậu Covid-19 tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã chính thức đi vào hoạt động.

Theo BS Chu Thị Quỳnh Thơ phụ trách Đơn vị PHCN Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, mục tiêu của đơn nguyên khi đi vào hoạt động là phục hồi chức năng, ngăn ngừa các rối loạn tâm lý để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân sau khi được điều trị khỏi Covid-19. Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng, bởi ngày càng có nhiều bằng chứng lâm sàng cho thấy không phải bệnh nhân đã qua giai đoạn cấp tính là ổn định hoàn toàn về mặt lâm sàng. Bệnh nhân vẫn có thể có các triệu chứng hậu Covid kéo dài, trong đó phổi là cơ quan chịu tác động lớn nhất. "Bệnh nhân thường gặp tình trạng xơ phổi, có tổn thương kéo dài và các biểu hiện lâm sàng của hô hấp cũng đa dạng, từ mức độ nhẹ đến nặng. Hơn 40% bệnh nhân ho kéo dài hoặc có biểu hiện đau ngực. Với tình trạng phổi bị tổn thương thì chức năng hô hấp cũng bị suy giảm".

Ngoài phổi, các triệu chứng hậu Covid còn có thể biểu hiện ở bất kỳ cơ quan nào của cơ thể như tiêu hoá, thần kinh, nội tiết, cơ xương khớp... Các tổn thương này khiến bệnh nhân lâu hồi phục, phải nằm viện kéo dài hoặc không thể quay trở lại với sinh hoạt trước đây khiến tâm lý bị ảnh hưởng.

Kể từ khi đi vào hoạt động (31/8/2021) Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 đã chú trọng tới vấn đề này, những bệnh nhân có chỉ định phục hồi chức năng đều được tiến hành phục hồi sớm - kể cả những trường hợp đang điều trị tại các phòng hồi sức tích cực (ICU). Tuy nhiên, vì không có phòng tập chuyên biệt, bệnh nhân phải tập luyện trong khu điều trị Covid-19 nên gặp nhiều khó khăn.

BS Chu Thị Quỳnh Thơ cho biết, đơn nguyên phục hồi chức năng chuyên biệt cho BN Covid-19 ra đời sẽ có điều kiện để hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn trong quá trình phục hồi. "Khi bệnh nhân có chỉ định phục hồi chức năng sẽ được cân nhắc thực hiện chương trình phục hồi chức năng về hô hấp và vận động...Về hô hấp có những can thiệp cơ bản ví dụ bài tập thở, tập ho...Về vận động chúng tôi khuyến khích bệnh nhân tập vận động sớm và việc vận động này cũng cân nhắc trên từng bệnh nhân. Ngay cả khi bệnh nhân còn đang hôn mê chúng tôi đã có bài tập vận động thụ động để đảm bảo tầm vận động của khớp được bảo tồn, khi bệnh nhân tỉnh lại khớp sẽ không bị cứng".

Với những bệnh nhân ổn định hơn, tỉnh táo hơn, sẽ được hướng dẫn các bài tập chủ động tại giường. Nếu bệnh nhân có khả năng đứng, di chuyển các kỹ thuật viên sẽ hỗ trợ tập luyện sớm để tránh tình trạng teo cơ, cứng khớp, loãng xương khi phải nằm lâu trên giường bệnh.

Ngoài phục hồi chức năng vận động và hô hấp, tùy thuộc vào thể trạng và mức độ tổn thương của bệnh nhân, sẽ có các can thiệp khác nhau. "Khi đơn vị PHCN hậu Covid ra đời, chúng tôi hi vọng có thể triển khai thêm nhiều can thiệp phục hồi chức năng khác nữa ngoài vận động và hô hấp như PHCN rối loạn nuốt, rối loạn giọng, các trường hợp suy giảm nhận thức…sau nhiễm Covid-19"- BS Chu Thị Quỳnh Thơ chia sẻ.

Bước đầu đơn nguyên phục hồi chức năng hậu Covid đang có 20 giường bệnh, nhưng trước tình trạng số ca mắc mỗi ngày một tăng cao có thể mở rộng lên 40 giường và tăng cường thêm nhân lực để giảm bớp áp lực cho nhân viên y tế, đảm bảo phục vụ bệnh nhân được tốt hơn.