Bộ Y tế cho biết, do dịch diễn biến phức tạp, một số địa phương đã áp dụng biện pháp phun hóa chất diệt khuẩn tại khu vực công cộng để phòng chống dịch; một số cơ quan, công sở đã lắp đặt buồng khử khuẩn để phun hóa chất vào người đứng trong buồng, phun hóa chất khử khuẩn vào người đi cách ly.

"Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đường phố, vỉa hè không phải là nơi chứa virus SARS-CoV-2, việc phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời không được WHO, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo do kém hiệu quả, ảnh hưởng sức khỏe người phun và xung quanh khu vực phun, lãng phí hóa chất phòng chống dịch và có thể gây hại môi trường" - Bộ Y tế chỉ rõ.

Bộ Y tế cũng cho biết WHO và CDC Hoa Kỳ khuyến cáo không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bất kỳ tình huống nào, do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố không thực hiện phun hóa chất khử khuẩn ngoài trời, không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất kỳ tình huống nào, gồm cả biện pháp phun hóa chất trực tiếp và sử dụng buồng khử khuẩn.

Bộ Y tế khuyến cáo việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp, khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng, sử dụng loại đã được cấp phép và theo đúng liều lượng, phương pháp sử dụng trên nhãn sản phẩm.

Trước đó, kể từ khi dịch Covid -19 bùng phát từ đầu 2020, đã có nhiều đợt phun hóa chất diện rộng được triển khai ngoài trời, gần đây nhất là ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương...

Nhiều thiết kế "buồng khử khuẩn" cũng được tung ra, song có các ý kiến việc phun khử khuẩn ngoài trời là không có hiệu quả và tốn kém, nhưng đến nay Bộ Y tế mới có hướng dẫn này.