PV: Thưa TS Trần Tuấn, dưới góc quan sát và nghiên cứu của ông, những khủng hoảng tâm lý liên quan đến đại dịch Covid-19 ở nước ta chỉ là một vài hiện tượng đơn lẻ hay đã trở thành vấn đề cần phải quan tâm?

TS Trần Tuấn: Tự tử là vấn đề chung của xã hội hiện đại và nó đang gia tăng trong đại dịch Covid-19. Tự tử là biểu hiện cụ thể của một tiến trình gọi là rối nhiễu tâm trí kéo dài nhưng không được phát hiện, chăm sóc kịp thời. Có ý định tự tử hoặc tự tử là hiện tượng đơn lẻ nhưng thực chất là vấn đề của xã hội. Đặc biệt trong dịch Covid-19, hậu quả của rối nhiễu tâm trí thể hiện ở tình trạng cô đơn, cảm thấy bất lực, rồi dẫn đến bế tắc, ý nghĩa tiêu cực xuất hiện, sau đó rơi vào trạng thái trầm cảm và nếu để lâu dài, ý nghĩ tự tử sẽ đến.

Dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người, từ công ăn việc làm, sinh hoạt thông thường, ngay cả đến quan hệ xã hội thông thường cũng bị thay đổi. Điều này tạo ra tâm lý sợ hãi. Sợ rằng không biết lúc nào dịch bệnh sẽ xảy đến với mình, với người thân. Môi trường sống bị hạn chế do những bắt buộc phong tỏa hoặc những hạn chế chung của toàn xã hội. Vì vậy, mọi người sẽ cảm thấy bế tắc, đặc biệt với người trẻ và những người đang có bệnh sẽ cảm thấy “sụp đổ”. Vì vậy, theo tôi đây cũng là một vấn đề cần phải được quan tâm nhiều hơn.

PV: Từ đầu năm 2021 đến nay, khu cách ly BV Tâm thần Hà Nội tiếp nhận 43 bệnh nhân. Khoa Tâm thần, BV 103 cũng mới tiếp nhận một số bệnh nhân mới về từ khu cách ly tập trung. Covid-19 không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tâm thần nhưng Covid-19 đã “kích hoạt” bệnh lý tâm thần. Và thưa ông, khi những khủng hoảng tâm lý là hiện hữu thì chúng ta có thể làm gì để bảo vệ sức khỏe tâm thần trong đại dịch?

TS Trần Tuấn: Trước tiên, chúng ta phải xác định căn nguyên của những khủng hoảng tâm lý là do dịch bệnh, càng để dịch lây lan, kéo dài bao nhiêu thì tâm lý càng nặng nề, khó gỡ bấy nhiêu. Vì vậy, chống dịch là nhiệm vụ đầu tiên, là trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình và Chính phủ.

Thứ hai là chúng ta tìm các biện pháp giảm bớt nguy cơ tác động tâm lý, chống rối nhiễu tâm lý. Về cá nhân, có thể tập thở, thiền, thư giãn, vận động toàn thân, ổn định giờ giấc sinh hoạt. Đây là những thực hành để thúc đẩy các yếu tố tích cực, giảm các yếu tố tiêu cực, chống rối nhiễu tâm trí. Ngoài ra, mỗi người cần tạo ra môi trường chống sự cô đơn. Nói nhiều những lời yêu thương, động viện nhau thông qua các thiết bị điện tử. Cắt giảm các chất gây nghiện có thể khiến trạng thái suy sụp và tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Với các cơ quan, nhà nước, đẩy mạnh truyền thông chống rối nhiễu tâm trí, tăng cường hướng dẫn các bài tập thể dục, giới thiệu về thiền, sinh hoạt sinh thái, hướng dẫn cách chăm sóc người già, trẻ em. Đặc biệt ở trong hoàn cảnh cách ly xã hội cần phải kiểm soát các vấn đề như bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Ngành y phải thúc đẩy việc chăm sóc từ xa để giúp người dân chăm sóc tại nhà trong hoàn cảnh tiếp cận các bệnh viện chế.

Kinh tế cũng là một yếu trố quan trọng vì vậy cần đẩy mạnh công tác bảo trợ xã hội, có chiến lược rõ ràng với những đối tượng có nguy cơ cao như công nhân mất việc, những người già cô đơn. Bên cạnh đó, thúc đẩy lòng nhân từ, nhân ái trong cộng đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!