Gần 70% bệnh nhân ung thư ở giai đoạn tiến triển có triệu chứng đau

"Tôi phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn 2B. Tôi điều trị đến nay là 8 năm, đến giai đoạn di căn cuối rồi, đau đớn lắm, đứng ngồi không yên. Thuốc morphine vào cũng chẳng ăn thua gì cả" - bà Lưu Thị L., sinh năm 1958, ở tỉnh Vĩnh Phúc bị ung thư giai đoạn cuối, được một bệnh viện cho về vì không còn đáp ứng với các phác đồ điều trị ung thư. Do không được kiểm soát đau đúng mức, bệnh nhân bị những cơn đau dai dẳng, liên tục.

Đây không phải là trường hợp duy nhất phải chịu những cơn đau do bệnh ung thư hành hạ. Số bệnh nhân phải trải qua cảm giác này lên đến 70%, tỉ lệ này ở ung thư giai đoạn cuối là hơn 90%. Đau đớn làm suy sụp người bệnh một cách toàn diện: ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thể lực, tinh thần, dinh dưỡng, các sinh hoạt bình thường

Chứng kiến cảnh người chồng bị ung thư đầu tụy giai đoạn 4, bà Đỗ Thị N., ở tỉnh Tuyên Quang tâm lý khá nặng nề. Bà và các con tìm hiểu rất nhiều thông tin, phương cách để chồng, cha không bị các cơn đau dày vò. Bà tâm sự: "dẫu biết ông khó qua khỏi nhưng nếu giảm được các cơn đau, gia đình sẽ được an ủi rằng ông ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng".

TS.BS Trịnh Tú Tâm, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc - người từng trực tiếp can thiệp điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư chia sẻ: rào cản lớn nhất trong điều trị đau cho bệnh nhân ung thư hiện nay là vẫn còn quan niệm đã ung thư thì phải chấp nhận đau ở nhiều bệnh nhân cũng như một số y bác sĩ.

"Quan điểm về chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân hiện nay cần được bắt đầu ngay từ khi bệnh nhân được chẩn đoán, trong suốt quá trình điều trị cho đến khi người bệnh qua đời, trong những năm gần đây ở Việt Nam đã bước đầu có sự quan tâm về điều trị đau nhưng mới tập trung ở 1 số trung tâm lớn, ngay cả ở Mỹ là đất nước rất phát triển nhưng tỷ lệ bệnh nhân được quan tâm đúng mức mới chỉ đạt tỷ lệ khoảng 40%" - TS.BS Trịnh Tú Tâm cho biết.

Một số người lo ngại các loại thuốc giảm đau sẽ gây nghiện hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị ung thư. Kết quả là rất nhiều bệnh nhân chấp nhận sống chung với cơn đau dai dẳng, thậm chí bị những cơn đau hành hạ đến những phút cuối đời. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phủ nhận những quan niệm chưa phù hợp này và đưa ra thang điều trị đau nhiều mức độ từ nhẹ, trung bình, nặng đến đau kháng trị. Tức là, kiểm soát đau cần ở tất cả các giai đoạn của ung thư.

Bệnh nhân ung thư cần được thực hiện và kiểm soát đau ở tất cả các giai đoạn

Quan điểm về chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân hiện nay cần được bắt đầu ngay từ khi bệnh nhân được chẩn đoán, trong suốt quá trình điều trị cho đến khi người bệnh qua đời.

Dùng thuốc giảm đau là phương pháp mở đầu trong điều trị đau do ung thư. Tuy nhiên, việc chỉ định loại thuốc nào, liều lượng, phương cách sử dụng thuốc ra sao còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, tác dụng phụ của thuốc… ngay cả điều kiện sinh hoạt, kinh tế của bệnh nhân cũng được các bác sĩ cân nhắc.

Song song với thuốc hoặc với những bệnh nhân không đáp ứng thì tùy theo từng tổn thương, các bác sỹ có thể chỉ định cho bệnh nhân phối hợp các phương pháp khác như xạ trị, phẫu thuật để giảm mức độ xâm lấn, chèn ép của khối u; các phương pháp can thiệp tối thiểu như phong bế thần kinh, hủy thần kinh để làm mất đường dẫn truyền cảm giác đau về thần kinh trung ương… với mục đích cải thiện tốt hơn cho những bệnh nhân đau do ung thư - TS. BS Trịnh Tú Tâm thông tin.

Hiện nay với những trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nếu điều trị thuốc không hoặc ít có tác dụng hay dùng thuốc sẽ gây tác dụng phụ, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, các bác sĩ Điện quang can thiệp có thể phối hợp các biện pháp can thiệp giúp ức chế các dây thần kinh dẫn truyền đau như: hủy dây thần kinh bằng cồn, sóng cao tần và áp lạnh để điều trị đau do khối u xâm lấn vào dây thần kinh ngoại vi; diệt hạch thân tạng trong điều trị đau do ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư thượng thận; diệt đám rối hạ vị trong các ung thư xâm lấn ở vùng tiểu khung như ung thư bàng quang, tuyến tiền liệt, ung thư cổ cung, ung thư buồng trứng, ung thư dương vật – tinh hoàn; gây tê, đặt catheter ngoài màng cứng để kiểm soát triệu chứng ung thư giai đoạn cuối...

Ưu điểm của các phương pháp này là can thiệp tối thiểu, không cần gây mê, không gây mất máu, hiệu quả giảm đau thường thấy ngay sau thủ thuật và nếu bệnh nhân có tình trạng đau tái phát có thể thực hiện lặp lại tương đối dễ dàng; bên cạnh đó việc thực hiện thủ thuật dưới hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cắt lớp vi tính, màn tăng sáng sẽ giúp xác định chính xác vị trí cần điều trị, tăng hiệu quả của thủ thuật và giảm biến chứng cho người bệnh.

"Với bác sỹ Điện quang can thiệp như chúng tôi, trên thực tế lựa chọn được phương pháp nào tốt, phù hợp nhất để giúp giảm đau cho bệnh nhân nhiều khi rất khó khăn, bởi có những trường hợp không dễ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau trong một “mớ hỗn độn” những tổn thương xâm lấn, di căn nhiều nơi trên cơ thể bệnh nhân" - TS.BS Trịnh Tú Tâm, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc chia sẻ.

Vì thế đôi khi một kỹ thuật can thiệp vừa là một phương pháp điều trị nhưng cũng là một phương pháp chẩn đoán, bởi nếu điều trị xong bệnh nhân đỡ đau đồng nghĩa với việc chẩn đoạn nguyên nhân gây đau ban đầu đã chính xác.

"Lựa chọn kỹ thuật nào can thiệp tối thiểu mà vẫn có hiệu quả, vì có những bệnh nhân suy kiệt, mệt mỏi, chỉ nằm được một tư thế mà không phải là tư thế thuận lợi để thực hiện thủ thuật… phù hợp cả về điều kiện phương tiện sẵn có của bác sỹ và điều kiện kinh tế của bệnh nhân", BS Tâm cho biết thêm.

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở Việt Nam ngày một tăng đồng nghĩa với nhu cầu điều trị, chăm sóc ngày càng nhiều và là gánh nặng lớn với ngành Y tế cũng như gia đình người bệnh. Mặc dù được chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ nhưng đến giai đoạn cuối khi các khối u di căn, xâm lấn thì hầu hết các bệnh nhân đều bị đau.

Do vậy, đòi hỏi sự phối hợp của các chuyên khoa để làm chậm quá trình phát triển của bệnh cũng như chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân từ giai đoạn sớm để bệnh nhân có thể lực, tinh thần tốt nhất từ đó giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống giúp bệnh nhân lạc quan hơn để chống lại bệnh tật hay khi không thể “khống chế” được các khối u thì bệnh nhân cũng bớt đi đau đớn trong những ngày cuối của cuộc đời./.