F0 thường gặp tình trạng hụt hơi khi tập vận động trở lại

Sau hơn 10 ngày cách ly điều trị Covid-19 tại nhà, chị Phạm Thảo Vân- 25 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cảm thấy cơ thể khá rệu rã bởi tâm lý của người mang bệnh không thể ra khỏi căn phòng cách ly. Chính vì vậy, ngay sau khi khỏi bệnh, chị Vân bắt đầu để cơ thể làm quen trở lại với những bài tập nhẹ sau Covid-19.

“Sau khi khỏi tôi đã chờ khoảng 1 tuần rồi mới đi tập lại, chỉ dám đi bộ nhẹ nhàng thôi vì vẫn cảm thấy hụt hơi” – chị Vân chia sẻ.

Nếu như chị Vân có thể sớm quay lại với các bài tập ngay sau khi khỏi bệnh thì anh Lê Hoàng Nam - 36 tuổi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội phải sau hơn 1 tháng mới có thể đi lại nhẹ nhàng. Thế nhưng, nhiều khi anh vẫn phải bỏ dở buổi tập giữa chừng vì nhịp thở chưa tốt.

Tập vận động giúp cơ thể phục hồi sức khỏe tốt

Mặc dù tình trạng hụt hơi thường xảy ra hậu Covid-19 nhưng không vì thế mà kiêng hay bỏ hẳn tập thể dục thể thao bởi theo PGS-TS-BS Võ Tường Kha- Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, vận động giúp tăng cường tuần hoàn, lưu thông dịch và giúp cho quá trình trao đổi chất. Khi tăng cường trao đổi chất cũng có nghĩa là tăng cường cung cấp oxy cho mô và tổ chức tế bào, giúp cho cơ thể phục hồi nhanh.

"Chúng ta có thể tập thể dục thể thao trở lại bất kỳ lúc nào miễn là sau khi đã có kết quả xét nghiệm test nhanh âm hay PCR ở mức hơn 33"- BS Võ Tường Kha cho hay.

Kiểm tra sức khỏe và chọn bài tập phù hợp với sức khỏe

Tùy theo mức độ miễn dịch của từng người, mỗi bệnh nhân Covid-19 chịu những tổn thương từng cơ quan khác nhau. Phần lớn là bị tổn thương hệ hô hấp, phổi, hệ tim mạch, hệ cơ xương khớp và thần kinh. Vì vậy tập theo từng thể trạng tập luyện và từng mức độ mắc bệnh.

“Bệnh nhân hậu Covid-19 đánh giá tình trạng thể lực của tim mạch, cơ xương khớp, kho dự trữ năng lượng. Từ đó, đề xuất ra cường độ, lượng vận động, thời gian vận động và độ khó của bài tập để nâng cao thể lực, sức khỏe, tránh tác dụng ngược, xấu khi tập không đúng, không khoa học, vượt quá năng lực của cơ thể”, PGS.TS.BS Võ Tường Kha khuyến cáo.

PGS-TS-BS Võ Tường Kha hướng dẫn 2 cách để đánh giá thể lực:

Thứ nhất, tự kiểm tra bằng cách xác định mạch cơ sở. Mạch cơ sở của người bình thường lúc vừa mới ngủ dậy là 60-80 lần/phút và mạch tối đa được xác định theo công thức 220 trừ đi số tuổi thì ra được mạch tối đa. Người ta sẽ xác định mạch tối đa, trên cơ sở đó xác định có đủ sức khỏe để tập thể thao hay không. Ví dụ, với người 30 tuổi, mạch tối đa của họ là 220-30 còn 190 thì 75-80% của 190 đó là 140. Khi kiểm tra mạch thấy mức độ đó là vừa có nghĩa bài tập đó phù hợp với sức khỏe hiện tại, còn nếu vượt quá thì có nghĩa là bạn đang tập quá sức.

Thứ hai, bạn xác định bằng các thiết bị đo lường, máy móc. Ví dụ, xem phổi tổn thương ở mức độ nào bằng cách chụp X-quang, hoặc kiểm tra thông khí phổi để đánh giá các thể tích khí lưu thông, dung tích số, chỉ số… để xem mức độ hô hấp của người bệnh đạt được bao nhiêu, tiếp theo đánh giá điện tâm đồ để xem tổn thương không hay siêu âm tim và cao cấp hơn là làm biện pháp gắng sức tim phổi để đánh giá mức độ gắng sức trong điều kiện mặt hữu dụng 75% của mạch tối đa. Qua đó, chúng xác định được cường độ vận động, lượng vận động và tăng sức vận động của người bệnh.

Những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch và phổi thì càng cần kiểm tra tim phổi trước khi tập. “Bệnh nhân tim, phổi gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hô hấp và thể thao. Các bác sĩ sẽ xác định tim phổi tổn thương ở mức độ nào bằng khám lâm sàng, cận lâm sàng như Xquang, điện tim, thông khí phổi. Trên cơ sở đó nhờ bác sĩ thể thao và huấn luyện thể lực tư vấn nên tập bài gì, lượng vận động bao nhiêu, tần suất thời gian bao nhiêu để tập phù hợp với tình trạng thể lực và đặc biệt luôn luôn chuẩn bị thuốc cấp cứu bên mình là thuốc tim mạch, huyết áp và bổ sung năng lượng” – BS Võ Tường Kha tư vấn.

Những dấu hiệu nên ngừng tập

Vì tập vận động liên quan đến tiêu hao năng lượng và liên quan đến vấn đề sử dụng oxy nên ngừng tập ngay nếu có các dấu hiệu sau đây:

- Tức ngực, khó thở

- Đau thắt ngực

- Chóng mặt, choáng váng do tăng huyết áp, hạ huyết áp hoặc hạ đường huyết…

- Đau mỏi cơ bắp

Những nguyên tắc khi tập vận động để nâng cao thể lực một cách an toàn và hiệu quả

Người tập thể thao phải tuân thủ nguyên tắc vệ sinh luyện tập:

- Xem xét tình trạng thể lực đáp ứng với môn thể thao nào, thời gian vận động phù hợp

- Điều kiện sân bãi có đáp ứng tập hay không. Nếu sân bãi trơn trượt, không đủ ánh sáng, thì không nên tập.

- Kiểm tra trang thiết bị tập có phù hợp với mình hay không?

- Trang phục tập có phù hợp với thời tiết hay không

- Một số kỷ luật trong tập luyện mà người bệnh nên tuân thủ, nếu không sẽ dễ bị chấn thương.

- Luôn chuẩn bị cơ số thuốc và dinh dưỡng trong quá trình luyện tập bổ sung gây mất nước và chấn thương.

- Khởi động trước và sau khi tâp luyện.