Ung thư đường tiêu hóa thuộc loại ung thư nguy hiểm bởi bệnh thường khởi phát với các triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khiến đa số người bệnh chủ quan, khi phát hiện thì ung thư đã ở giai đoạn muộn. Các loại bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất là thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng và hậu môn.

Y học đến nay vẫn chưa xác định một cách chính xác nguyên nhân cụ thể của ung thư đường tiêu hóa. Những yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ ung thư đường tiêu hóa như: gen di truyền, tuổi tác, ô nhiễm môi trường, lối sống, chế độ ăn uống...

Chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật, ít rau xanh, chất xơ có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày liên quan đến tiền sử nhiễm vi khuẩn HP, chất nitrosamin trong dưa chua muối và thịt hun khói. Ung thư thực quản liên quan đến thói quen uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá...

Theo GS.TS Đào Văn Long - PCT Hội Tiêu hóa Việt Nam, có thể phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa bằng cách nội soi đường tiêu hóa đối với những đối tượng có nguy cơ như người từ 50 tuổi trở lên, người có tiền sử gia đình có đa polyp đại trực tràng, thường xuyên có cơn đau âm ỉ vùng thượng vị, có tiền sử viêm loét dạ dày, đi đại tiện ra máu..

Với kỹ thuật nội soi tiêu hóa giúp các bác sĩ có thể phát hiện được những bất thường xảy ra ở ống tiêu hóa. Trong giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư còn khu trú ở lớp niêm mạc ống tiêu hóa, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn nếu được cắt hớt dưới niêm mạc, đồng thời có thể kéo dài thời gian sống của người bệnh như người bình thường.