Giúp người bệnh tuân thủ điều trị

Methadone là chất tổng hợp dùng để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện qua đường uống. Thời gian dùng thuốc càng lâu thì người bệnh càng giảm sự lệ thuộc vào heroin, giảm tử vong do sốc thuốc và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, C...

Ở nước ta, việc điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Thực tế chứng minh có nhiều cuộc đời đã được hồi sinh nhờ tuân thủ điều trị Methadone. Tuy nhiên, cũng có không ít người bỏ cuộc giữa chừng do không có điều kiện đến cơ sở y tế lấy thuốc uống hàng ngày... Để khắc phục những hạn chế này, từ tháng 4 năm 2021, Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã thực hiện Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện về sử dụng tại nhà.

“Mục tiêu của cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về nhà điều trị là tạo sự thuận lợi cho người bệnh và tăng tính tuân thủ điều trị. Họ ở lại với chương trình dài hơn và từ đó sẽ giảm được các tác hại của ma túy đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội, gia đình, giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh lây truyền qua đường máu khác” - Ths.BS Đỗ Hữu Thủy – Phó Trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV, Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết.

Những lợi ích từ thực tế

Trong năm đầu tiên, đề án thí điểm thực hiện ở 3 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Hải Phòng. Đây đều là những tỉnh có nhiều người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tập trung chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, việc đi lại không thuận tiện…

Mới đây, TS.BS Nguyễn Bích Diệp – Trung tâm đào tạo và nghiên cứu lạm dụng chất, HIV – Đại học Y Hà Nội, trưởng nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả nghiên cứu sau một năm thực hiện đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị các chất dạng thuốc phiện. Theo đó, đã có 1.200 bệnh nhân được cấp phát thuốc mang về nhà. Người ít nhất được phát 1 liều/ngày, người nhiều nhất là 6 liều/ngày. Đến nay việc phát thuốc về nhà đều diễn ra an toàn, chưa có trường hợp nào xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Đề án mang lại nhiều thuận lợi, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp thời gian vừa qua.

“97% bệnh nhân duy trì điều trị Methadone từ 6 tháng trở lên đều có kết quả tốt. Giảm thời gian và chi phí đi lại cho bệnh nhân, do vậy, tăng cơ hội có việc làm và tăng thu nhập cho bệnh nhân. Ngoài ra giảm nguy cơ tai nạn giao thông. Đối với ngành y tế, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát giúp đảm bảo giãn cách xã hội, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cho cán bộ y tế và bệnh nhân” - TS.BS Nguyễn Bích Diệp cho biết.

Điện Biên là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên ở nước ta được thí điểm thực hiện đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh nghiện các chất dạng thuốc phiện điều trị ở nhà. Theo BS Vũ Hải Hùng – Trưởng khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, đến nay, tỉnh đã triển khai đề án tại 3 cơ sở điều trị và 6 cơ sở cấp phát thuốc Methadone. Đã có 522 bệnh nhân được phê duyệt là đối tượng được thực hiện đề án.

Người bệnh có thêm cơ hội điều trị, làm lại cuộc đời

Trường hợp của anh Lò Văn Phanh ở đội nhà 6, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Sau 5 năm tuân thủ tốt và duy trì liều ổn định nên khi có chương trình thí điểm mang Methadone về nhà dài ngày, anh Phanh đã được chọn là 1 trong 15 người đầu tiên của tỉnh Điên Biên tham gia chương trình. Đây là điều anh Phanh mong ngóng từ lâu bởi anh sẽ có nhiều thời gian để lao động, lo toan cho gia đình:

“Từ đây đến trung tâm Methadone cũng phải 6,7 km. Trước kia khi chưa được cấp phát thuốc về nhà thì mỗi một ngày mất 2 lần đi lại, kinh phí xăng xe rồi mưa gió rất khổ. Ảnh hưởng công việc, vì mình đi bốc vác làm thuê cho người ta thì họ bảo đến sớm nhưng mình lại không đi sớm được. Bình thường 7h15 đến mới được uống thuốc thì giờ đấy người ta làm mất rồi. Bây giờ được mang thuốc về thì họ gọi mình đi làm sớm thì mình cũng đi được. Rồi còn thời gian đi cấy hái cho vợ con này….Cuộc sống bây giờ hạnh phúc, thoải mái rồi không phải lo lắng gì” – Anh Phanh chia sẻ.

Trường hợp của anh Lò Văn Duyên ở xã Độc Lập, huyện Điện Biên cũng vậy. Sau gần 1 năm tham gia chương trình thí điểm mang thuốc Methadone về nhà dài ngày, công việc của anh ổn định hơn nên thu nhập cũng tốt hơn, anh đã mua được xe máy tặng vợ. Giờ đây, những ngày tháng đen tối, cùng cực giờ chỉ làm là quá khứ, tương lai tốt đẹp hơn đang chờ họ ở phía trước…

Đề án đang từng bước được nhân rộng ra toàn quốc

Hoạt động giám sát bệnh nhân uống thuốc tại nhà là một trong những khó khăn, thách thức chung ở những tỉnh đang thực hiện thí điểm. Hiện, các chuyên gia đang tiếp tục nghiên cứu đưa ra những giải pháp phù hợp như tích hợp phần mềm quản lý bệnh nhân dễ dàng trong giai đoạn tiếp theo.

Ths.BS Đỗ Hữu Thủy – Phó Trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV, Cục phòng chống HIVS/AIDS cho biết, trong năm 2022, đề án được mở rộng thêm 3 tỉnh nữa là Bắc Giang, Lào Cai và Nghệ An. Dự kiến năm 2023 sẽ mở rộng ra toàn quốc

“Việc cấp phát thuốc Methadone đã được các quốc gia trên thế giới triển khai từ nhiều năm nay. Mỹ thực hiện 50 năm rồi, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã có hướng dẫn triển khai cấp phát thuốc Methadone về nhà. Việt Nam thận trọng nên sau 14 năm mới triển khai thí điểm. Chúng tôi nghĩ rằng nếu dựa trên kết quả đánh giá cuối năm mọi thứ đều thuận lợi thì sang năm sẽ đề nghị Chính phủ mở rộng cấp phát thuốc Methadone về nhà trong toàn quốc” – Ths.BS Đỗ Hữu Thủy nhận định.

Đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện mang về sử dụng tại nhà đã đáp ứng mong muốn của cả nhân viên y tế và người bệnh, góp phần phát triển mục tiêu thiên niên kỷ là giảm số người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Vì vậy, việc triển khai trên quy mô toàn quốc chỉ là việc trong tương lai gần.