Theo TS – BS Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt Trung ương, tia tử ngoại hay còn gọi là tia cực tím là một tia có hại thuộc phổ bức xạ của ánh sáng mặt trời. Tia tử ngoại thường đạt mức cao nhất là từ 10h-12h trưa và từ 2h-4h chiều. Trong những khung giờ này, nhất là vào mùa hè, nếu đi ra đường mà không có các phương tiện bảo vệ như kính chống nắng, khăn, mũ che mặt thì tia tử ngoại có thể gây ra một số bệnh lý cấp tính ở mắt như viêm da mi, bỏng giác mạc cấp. Ngoài ra, nó còn gây ra một số bệnh lý mạn tính ở mắt như ung thư da mi, đục thủy tinh thể, mộng thịt. Có ý kiến còn cho rằng tia tử ngoại là nguyên nhân gây bệnh thoái hóa hoàng điểm, tổn thương đáy mắt.

Vì vậy, trong mùa hè, khi đi đường hoặc làm việc, hoạt động ngoài trời, cùng với việc sử dụng khăn, mũ, áo chống nắng, thì đeo kính râm để ngăn tia tử ngoại, bảo vệ mắt là biện pháp hết sức cần thiết. Đối với trẻ nhỏ, nếu các bé hợp tác, đồng ý đeo thì các bậc cha mẹ có thể sử dụng loại kính này cho con.

“Theo nghiên cứu thì chỉ cần loại kính râm thông thường cũng đã cản được 40 – 60% tia tử ngoại. Còn những loại được chế tác đặc biệt, chống tia UV chuyên dụng thì có thể ngăn được 80 đến 100% tác động của tia tử ngoại đối với mắt. Tuy nhiên, các loại kính này thường có giá cả khá cao. ” – TS.BS Hoàng Cương cho biết.

Đồng thời, vị chuyên gia về nhãn khoa cũng lưu ý, khi lựa chọn kính râm nói chung và cho trẻ nói riêng, các bậc cha mẹ nên lưu ý chọn loại có khung kính càng rộng thì càng tốt để che phủ được diện tích rộng ở vùng mắt và xung quanh mắt. Gọng kính cũng phải đảm bảo, không nên lỏng quá cũng không nên chặt quá mà phải vừa khít với khuôn mặt của các bé.

Bên canh đó, cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng của kính. Bác sĩ Hoàng Cương cho biết, có những loại kính râm nhập theo cân, theo bao tải theo đường phi mậu dịch và hiện không cá nhân, đơn vị nào kiểm chứng, đảm bảo về chất lượng của những sản phẩm này. Việc các bậc cha mẹ mua cho trẻ những loại kính râm từ các hàng kính bày bán rong trên vỉa hè, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Đặc biệt, trẻ nhỏ lại không biết nói với người lớn về những khó chịu do kính gây ra, càng đeo lâu thì càng nguy hại.

Mắt kính nếu làm bằng nhựa plastic thông thường thì không đảm bảo về mặt quang học. Khi nhìn qua thấu kính, hình ảnh sẽ bị cong, mờ hoặc méo mó, khiến trẻ khó chịu, hoặc bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Với trẻ lớn hơn, việc đeo loại ính không chuẩn xác về mặt quang học sẽ dẫn đến nhìn đường không rõ, nếu trẻ tham gia giao thông thì dễ gặp tai nạn. Những loại mắt kính làm bằng nhựa plastic thông thường, nếu bị vỡ, mảnh nhựa có thể đâm vào mắt của trẻ, rất nguy hiểm - BS Hoàng Cương khuyến cáo.

Khi chọn kính cho trẻ, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý đến chất lượng của gọng kính. Đó là gọng kính phải đảm bảo an toàn, được làm bằng vật liệu trung tính, không gây ung thư, không gây sẩn ngứa, dị ứng, viêm da ở những vùng tiếp xúc trực tiếp với khuôn mặt. Đối với trẻ, gọng kính phải được làm bằng loại nhựa dẻo hoặc khi gãy không tạo ra những mảnh sắc nhọn. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn cho trẻ, nhà sản xuất thường sử dụng một thanh kim loại bên trong gọng nhựa để tránh bị gãy rời. BS Hoàng Cương khuyên, khi mua kính cho trẻ, các bậc cha mẹ nên chọn mua sản phẩm ở những nơi có uy tín, được cấp giấy phép kinh doanh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Với trẻ mắc tật khúc xạ, để bảo vệ mắt cho trẻ trong mùa hè, bác sĩ Hoàng Cương cho biết các bậc cha mẹ có thể mang kính của trẻ đến cửa hàng kính và yêu cầu nhuộm màu cho mắt kính nhằm chống tia tử ngoại. Hoặc có thể tạm thời cho trẻ sử dụng kính chống nắng trong thời gian vui chơi, hoạt động ngoài trời.