Ở làn sóng dịch thứ 4 này, lần đầu tiên Bộ Y tế đã phải huy động sự tham gia của hàng ngàn cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho TP. HCM và gần đây nhất là sự tham gia của cả hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn TP. HCM để giúp thành phố đáp ứng với diễn biến nguy hiểm của dịch.

Chưa có địa phương nào có thể “tự lực cánh sinh” trong điều trị

Từ dịch Covid-19 lần này cho thấy, hệ thống y tế, đặc biệt là năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực ca bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch của nhiều địa phương vừa thiếu lại vừa yếu. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, hầu hết các tỉnh đều gặp thách thức rất lớn trong thu dung, điều trị người bệnh và cần có sự chi viện từ trung ương và sự giúp đỡ từ các tỉnh bạn.

“Chưa có địa phương nào có thể tự lực cánh sinh trong điều trị, kiểm soát dịch bệnh” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Theo Bộ Y tế quy mô và số giường bệnh hồi sức tích cực tại các bệnh viện nói chung trên toàn quốc có nhiều nhiều vấn đề tồn tại. Cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 ngày càng tăng cao. Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng.

Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm gây khó khăn cho các bác sỹ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh Covid-19 nặng.

Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu...Một trong số các nguyên nhân được nói tới là do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng...

Khảo sát của Bộ Y tế cũng cho thấy, ở một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên phạm vi toàn tỉnh chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa sơ bộ hồi sức tích cực.

Thành lập 12 Trung tâm hồi sức tích cực ở 3 miền Bắc-Trung-Nam

Trước những khó khăn, thách thức trên, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 12 Trung tâm hồi sức quốc gia ở 3 miền Bắc – Trung – Nam và đặt tại 12 bệnh viện lớn nhất nước: Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2); Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương; Bệnh viện Phổi Trung ương; Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2); Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM; Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy; Các trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu thành phố và các bệnh viện dã chiến); Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ; Bệnh viện trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Quân y 103.

Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp. Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp.Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ phối hợp.

Bộ Y tế khẳng định việc đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng là "cần thiết và cấp bách", nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới.