Không xử phạt được

Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa từ trước đến nay chưa lập biên bản, xử phạt hành chính một trường hợp nào hút thuốc lá trong Bệnh viện. Đại diện Bệnh viện này cho biết: “Nghị định 117 có nhiều chế tài, nhưng để thi hành không đơn giản chút nào. Khi lập biên bản người hút thuốc lá, rất dễ xảy ra xung đột giữa nhân viên BV với người hút thuốc, mà môi trường BV lại rất đặc thù về nghiệp vụ cứu chữa bệnh nhân, để xảy ra xung đột sẽ làm ảnh hưởng đến công việc”.

Ở các bến xe, mặc dù có biển cấm hút thuốc lá ở khu vực nhà chờ song nhiều hành khách và cả lái xe, phụ xe vẫn “phớt lờ” quy định này. Ông Nguyễn Đức Vui – Giám đốc Bến xe Gia Lâm – giải thích: cán bộ bến xe chỉ biết nhắc nhở thôi vì không có thẩm quyền xử phạt. Ông cũng cho rằng: “Treo biển mà không xử phạt thì thà rằng không có còn hơn”.

Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) và Bến xe buýt Sài Gòn (Q.1) – thành phố HCM khả dĩ hơn. Trong 2 năm, dù ít nhưng cũng đã xử phạt được 212 trường hợp với tổng số tiền 88 triệu đồng. Đại diện Bến xe Miền Tây cho biết nhiều tiếp viên đã bị hành khách chửi bới, thậm chí hành hung khi được nhắc nhở không hút thuốc trên xe buýt.

Nâng mức xử phạt không phải là vấn đề mấu chốt

Nghị định 117 thay thế cho Nghị định 176 và nâng mức xử phạt các hành vi như là vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá, về việc bán, cung cấp thuốc lá, vi phạm về bao bì, in nhãn… Cụ thể, hút thuốc lá ở nơi bị cấm sẽ phạt từ 300-500 nghìn đồng (thay vì 100-300 nghìn đồng trước đây).

Nhưng đây chỉ là sự siết chặt trên văn bản giấy tờ. Vì sao ban hành được Luật lại không thể xử lý được? Ông Đặng Đình Bách – GĐ Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững – cho rằng, vấn đề là trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước mà trong trường hợp này là UBND các cấp và Bộ Công An, Bộ Y tế. Phòng chống tác hại thuốc lá trong tiềm thức của nhiều cán bộ vẫn chưa phải là việc nghiêm trọng, chưa tạo ra áp lực cần thiết nên ít được quan tâm. Ông Đặng Đình Bách nhấn mạnh: “nếu như người thực thi Pháp luật không có trách nhiệm, đạo đức cán bộ thì dù Luật nào đi chăng nữa thì khi đi vào cuộc sống cũng sẽ bất khả thi”. Đó là còn chưa kể, chúng ta ban hành Luật không đơn giản chỉ là để cấm mà còn phải tạo điều kiện để người dân thực thi Pháp luật. Hiện rất ít nơi bố trí được các khu vực hút thuốc cách biệt như cách mà Singapoor đang thực hiện.

Việt Nam có khoảng 17 triệu người hút thuốc lá, cao thứ 2 Đông Nam Á. Mỗi năm có 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nâng cao mức xử phạt về thuốc lá trong Nghị định 117 là hành lang pháp lý để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhưng đây mới chỉ là một nửa của quá trình thực thi Pháp luật.