Nanocovax khởi động giai đoạn thử nghiệm lâm sàng là một dấu mốc với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cũng là tin vui với người dân. Nhưng những gì đạt được ở thời điểm hiện tại còn quá sớm để biến ước mơ thành hiện thực trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.

Trao đổi với VOV2, TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc Nghiên cứu phát triển – Công ty Nanogen chia sẻ: với thời gian siêu tốc trong nghiên cứu và tạo điều kiện hết mức về thủ tục hành chính thì phải giữa sang năm (2021) mới có thể sử dụng đại trà vắc xin "made in" Việt Nam. Trong thời điểm hiện nay, việc chủ động các biện pháp y tế cộng đồng vẫn là biện pháp phòng chống Covid-19 hiệu quả nhất.

PV: Thưa ông, quy trình và quy mô thử nghiệm vaccine sẽ diễn ra như thế nào sau quá trình tuyển chọn tình nguyện viên?

TS Đỗ Minh Sĩ: Phần thử nghiệm lâm sàng sẽ có 3 pha. Pha 1 và pha 2 sẽ thử nghiệm song song. Pha 1 gồm 45 đối tượng từ 18- 50 tuổi và chia làm 3 nhóm liều là 25mcg – 50mcg- 75 mvg; pha 2 gồm 600 đối tượng chia ra từng nhóm tuổi khác nhau: 12-17 tuổi; 18-45 tuổi từ 45- 60 tuổi và trên 60. Từ lúc khởi động dự án đến khi thử nghiệm là 6 tháng, với một loại thuốc mới thì đây là thời gian siêu tốc

PV: Công nghệ sản xuất vaccine mà Nanogen lựa chọn và lý do chọn cách tiếp cận này là gì, thưa ông?

TS Đỗ Minh Sĩ: Trên thế giới đang có 4 công nghệ sản xuất vaccine Covid gồm: vắc xin bất hoạt , vắc xin DNA và RNA, vắc xin vi-rút và vắc xin tái tổ hợp. Nanogen chọn công nghệ protein tái tổ hợp vì chúng tôi đã làm chủ công nghệ này 10 năm. Ngoài ra Nanogen sử dụng trí tuệ nhân tạo với sự hỗ trợ của các robot hàng đầu trong nghiên cứu công nghệ sinh học để hỗ trợ quá trình nghiên cứu.

PV: Thách thức lớn nhất của điều chế vaccine tại Nanogen là gì?

TS Đỗ Minh Sĩ: Thách thức lớn nhất là vấn đề thời gian, thời gian quá gấp gáp. Thêm nữa là vấn đề đầu tư, phải cân bằng giữa đầu tư và lợi nhuận của công ty và thách thức nữa là sự biến đổi liên tục của Sars CoV 2. Nhóm nghiên cứu của Nanogen đã mất rất nhiều thời gian chỉnh sửa lại các đoạn gene để vắc xin có hiệu quả bảo vệ tốt nhất.

Vắc xin Nanocovax chứa 100% là protein S ở dạng tinh sạch và tá dược nhôm. Đây là dự án vắc-xin được triển khai nhanh nhất trong lịch sử ngành sản xuất vắc-xin nước ta. Thử nghiệm lâm sàng tiến hành sau 6 tháng nghiên cứu. Tất cả những quy trình về hồ sơ, thủ tục cấp phép được Bộ Y tế hỗ trợ, rút ngắn để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu tuy nhiên, tính an toàn của vaccine vẫn là yêu cầu cao nhất. Đặc biệt ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, tất cả các khâu được giám sát chặt chẽ của Hội đồng đạo đức y sinh của Bộ Y tế, Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học – Học viện Quân y.

PV: Tích hợp chất xám nội địa và nghiên cứu quốc tế - là cách làm của Nanogen đối với các chế phẩm sinh học trước đây. Với Nanocovax thì sao, thưa ông?

TS Đỗ Minh Sĩ: Xin khẳng định đây là sản phẩm Việt Nam 100%. Ngoài ra chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ các đối tác, chuyên gia của ĐH Harvard, của các nước châu Âu và các chuyên gia trong nước. Nhân đây tôi xin gửi lời cảm ơn cực kỳ chân thành đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – không có họ có lẽ dự án vắc xin này không thành công.

PV: Trên thế giới, nhiều vaccine Covid-19 có kết quả về an toàn và tính sinh miễn dịch nhưng không có hiệu lực bảo vệ. Nanogen có tự tin về với vắc xin Nanocovax?

TS Đỗ Minh Sĩ: Dựa trên kết quả tiền lâm sàng thì chúng tôi tự tin nhưng hiệu quả bảo vệ thì cần phải đợi quá trình thử nghiệm. Hy vọng Nanogen thành công.

PV: Thưa ông, ngoài giá thành, Nanocovax còn có lợi thế gì so với vắc xin Covid-19 khác?

TS Đỗ Minh Sĩ: Chúng tôi không có lợi thế gì cả vì tất cả vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Nhưng điều kiện bảo quản của Nanocovax đang là 1 ưu điểm. Vắc xin Nanocovax được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ) chứ không phải -80 độ như các vắc xin RNA điều này rất khó để đi đến các vùng sâu vùng xa ở Việt Nam. Về giá cả - theo tôi là phù hợp với số đông. Hiện Nanocovax có giá 120.000 đồng/1 liều; mỗi người tiêm 2 liều là hết 240.000đ.

PV: Nếu thành công, Nanocovax sẽ tạo nên kỳ tích, nhưng nếu rủi ro, quyền lợi của tình nguyện viên tham gia thử nghiệm ra sao, thưa ông?

TS Đỗ Minh Sĩ: Đối với những thử nghiệm lâm sàng khác, người tình nguyện sẽ được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên đây là vắc xin Covid và Việt Nam không nằm trong 20 Trung tâm thử nghiệm lâm sàng của Thế giới nên không được bảo hiểm chấp thuận. Nhưng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận của bảo hiểm: Nanogen trích ký quỹ ngân hàng, block phong tỏa tài khoản và toàn bố số tiền đó sẽ được dùng để chi trả nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra.

*Cảm ơn ông đã dành thời gian cho VOV2!