Những thói quen ăn uống đang “đầu độc” gan

Đứng đầu bảng là việc lạm dụng rượu, bia. Ông C., 60 tuổi (Hà Nam) nhập viện trong tình trạng nôn và đi ngoài ra máu. Ông được bác sỹ chẩn đoán là xuất huyết tiêu hóa do xơ gan. Và khi khai thác thói quen sinh hoạt, mới giật mình vì mỗi ngày ông uống ít nhất là 650ml rượu.

Ruợu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, trong đó có bệnh lý về gan. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết: có một danh sách dài các bệnh tật do rượu gây ra, từ các rối loạn tâm thần, tim mạch, hoại tử xương, giảm miễn dịch đến các bệnh lý đường tiêu hóa như: viêm gan, mật thậm chí là ung thư.

Không chỉ lạm dụng rượu, bia mà xu hướng ăn đồ chiên rán, đồ nướng hiện nay cũng đang tạo áp lực lên lá gan, khiến cơ quan này dễ bị tổn thương hơn. Hay như việc ăn những loại thực phẩm mốc như lạc, đậu tương, ngũ cốc, ngô... cũng có nguy cơ thoái hóa, hoại tử tế bào gan và có thể dẫn tới ung thư gan.

Nhiều người nghĩ rằng thói quen ăn mặn chỉ gây hại cho thận mà không hề biết rằng, lượng muối vào cơ thể quá nhiều sẽ cản trở việc đào thải các chất cặn bã dư thừa ra ngoài, về lâu dài sẽ làm giảm khả năng hoạt động của gan. Việc ăn quá nhiều dưa cà muối, thức ăn nhanh, thực phẩm có chứa đường nhân tạo, các loại thịt đỏ… cũng là nguy cơ khiến lá gan bị tổn thương.

Ăn gì để tốt cho gan?

GS.BS Đào Văn Long, nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam cho biết, với những người đã mắc bệnh gan thì việc điều chỉnh ăn uống là rất quan trọng. Người bệnh cần chú ý bổ sung protein với lượng 1,2-1,5 gram/cân nặng/ngày. Tuy nhiên, nên ưu tiên protein đến từ các loại thịt trắng như cá, gia cầm, đậu phụ…

“Những người bị bệnh gan mạn tính thường thiếu hụt vitamin D và vitamin E. Vì thế, để bổ sung vitamin D cần ăn nhiều cá, trứng, thịt, thủy hải sản… Còn với vitamin E với khả năng chống quá trình oxy hóa, khử các gốc tự do, người bệnh gan mạn tính có thể dùng lâu dài”, bác sỹ Long thông tin.

Để tăng cường vitamin C, mọi người có thể ăn nhiều hoa quả như: đu đủ, bơ, xoài, rau cải xanh, cà chua và các loại hạt hạnh nhân, hạt dẻ...

Bác sỹ Đào Văn Long cho biết, để bảo vệ gan đã bị tổn thương, người bệnh cũng cần tuyệt đối tuân thủ việc giảm độ mặn, loại bỏ rượu bia, đồ uống có gas.

Thức ăn hằng ngày cũng cần hạn chế đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu. Đặc biệt các loại thịt có màu đỏ hoàn toàn không phù hợp với người bệnh gan vì chứa nhiều sắt.

“Sắt bình thường rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên gan chứa sắt. Khi gan bị tổng thương mà chúng ta lại dung nạp lượng lớn thực phẩm có chứa sắt nữa sẽ ảnh hưởng đến não, trí nhớ…”, GS Đào Văn Long lý giải.

Vì thế, quan niệm "ăn gan bổ gan" như dân gian thường hay nói cũng không đúng. Trong gan không chỉ chứa lượng sắt cao mà các nhân của tế bào gan lớn chứa nhiều axit uric, không tốt cho sức khỏe.