Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty Nanogen) vừa có công văn gửi Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo; các Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế, Học viện Quân y và Viện Pasteur TP. HCM về kết quả nghiên cứu vaccine NanoCovax ước tính hiệu quả bảo vệ dựa trên kết quả sinh miễn dịch.

Nghiên cứu do Viện Pasteur TP. HCM thực hiện, là một phần trong nghiên cứu giai đoạn 2 vaccine NanoCovax. Các nhà khoa học đánh giá hiệu giá kháng thể trung hòa virus (bằng PRNT50 ) của những người đã tiêm vaccine NanoCovax so sánh với người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh.

Đánh giá hiệu giá kháng thể trung hòa bằng PRT50 là "tiêu chuẩn vàng" để phát hiện và đo lường các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus hay không. Trong phòng thí nghiệm, máu của người tiêm vaccine sẽ được pha loãng, trộn chung với virus sống để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu lấy mẫu máu của 112 tình nguyện viên tại thời điểm 42 ngày sau tiêm mũi một vaccine NanoCovax, sau đó tiến hành xét nghiệm trung hòa giảm đám hoại tử (PRNT) với virus SARS-CoV-2 sống trên nuôi cấy tế bào (PRNT 50) tại phòng xét nghiệm. Kết quả này so sánh với 16 mẫu huyết thanh của nhóm bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh (gồm một trường hợp không triệu chứng, 3 trường hợp mức độ nhẹ và 12 trường hợp có mức độ trung bình trở lên).

Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu giá kháng thể trung hòa của vaccine NanoCovax cao gấp hơn 2 lần so với nhóm khỏi bệnh, tương đương hiệu quả bảo vệ là 90% trong việc ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng. Sau khi tiêm vaccine 3 tháng, hàm lượng kháng thể đặc hiệu của người tiêm Nano Covax vẫn cao hơn nhóm khỏi bệnh.

Đây là kết quả nghiên cứu ban đầu của Viện Pasteur TP. HCM trên chủng virus Vũ Hán. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang làm đánh giá trên biến thể Delta (Ấn Độ), bước đầu vaccine NanoCovax có khả năng trung hòa biến chủng này.

Với kết quả trên, Công ty Nanogen tiếp tục xin Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức xem xét để có cơ sở cấp phép khẩn cấp.