Ông Vũ Văn Thắng ở Sóc Sơn, Hà Nội bị đau khớp đã lâu nhưng vẫn chưa muốn đi khám vì nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của ông là bệnh viện đa khoa huyện. Để xin được thủ tục chuyển viện thì thủ tục rất lâu và phải đi hơn 30km. Vì vậy, ngay sau biết được thông tin thông tuyến bảo hiểm tỉnh, ông Thắng đã sắp xếp công việc để đi khám ngay. Giờ được thông tuyến, việc khám chữa bệnh cho người dân như ông rất thuận lợi, không cần thủ tục, giấy tờ gì mà vẫn được Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả chi phí điều trị nội trú – Ông Thắng chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Hương Thu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết: “Tôi rất đồng tình với việc thông tuyến tỉnh BHYT vì giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm bớt các thủ tục hành chính và được lựa chọn cơ sở y tế theo nhu cầu, được điều trị tại các bệnh viện hàng đầu trong trường hợp cần thiết, đặc biệt đối với người mắc bệnh tim mạch, ung bướu, một số bệnh lý phức tạp”

Trước đây những trường hợp đi khám chữa bệnh trái tuyến chỉ được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương và 60% chi phí bảo điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm nay, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy đinh. Điều này khiến người bệnh rất phấn khởi.

Thế nhưng, đi kèm với những điểm tích cực, thuận lợi của quy định mới là những nỗi lo về việc các bệnh viện tuyến tỉnh có thể bị quá tải, trong khi đó cơ sở y tế tuyến dưới lại thiếu vắng bệnh nhân, cùng với đó là nguy cơ vỡ quỹ BHYT tăng cao. Theo tính toán của BHXH Việt Nam dựa trên số liệu bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến của năm 2020, với hơn 1,072 triệu lượt bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả 60%, chi phí KCB BHYT chi trả đã vượt 1.250 tỷ đồng. Khi chính sách thông tuyến có hiệu lực, nếu cũng với số lượng bệnh nhân đó được Quỹ chi trả toàn bộ, chi phí BHYT sẽ tăng lên hàng nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam chia sẻ.

Dự báo trong thời gian tới, các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải do bệnh nhân từ tuyến dưới lên thẳng tuyến trên dù bệnh ở bất kỳ cấp độ nào. Điều này dẫn đến việc cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ chưa đáp ứng được, kéo theo đó là chất lượng trong khám chữa bệnh có thể đi xuống.

Việc thông tuyến BHYT tuyến tỉnh giúp người dân có thêm quyền lựa chọn bệnh viện tuyến tỉnh để khám chữa bệnh. Tuy nhiên, quy định này chỉ dành cho người bệnh điều trị nội trú (tức là người dân đến khám và được bác sỹ chỉ định nằm viện điều trị), còn khám ngoại trú phải tự thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Có thể nói, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT là quy định quan trọng tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Đồng thời đây cũng là yếu tố thúc đẩy các bệnh viện tỉnh tăng cường chất lượng dịch vụ nhằm thu hút bệnh nhân. Và điều quan trọng hơn, bệnh nhân vẫn là người hưởng lợi khi chất lượng dịch vụ được tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Từ năm 2021, người tham gia BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) trái tuyến tỉnh được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Cụ thể như sau:

- Đối với trường hợp thẻ BHYT có mức hưởng 80% chi phí KCB thì:

+ Trước kia, đi KCB trái tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 60% của 80% chi phí điều trị nội trú (tức 48% chi phí điều trị nội trú).

+ Từ 01/01/2021, đi KCB trái tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 100% của 80% chi phí điều trị nội trú (tức 80% chi phí điều trị nội trú).

- Đối với trường hợp thẻ BHYT có mức hưởng 95% chi phí KCB thì:

+ Trước kia, đi KCB trái tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 60% của 95% chi phí điều trị nội trú (tức 57% chi phí điều trị nội trú).

+ Từ 01/01/2021, đi KCB trái tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 100% của 95% chi phí điều trị nội trú (tức 95% chi phí điều trị nội trú).

- Đối với trường hợp thẻ BHYT có mức hưởng 100% chi phí KCB thì:

+ Trước kia, đi KCB trái tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 60% của 100% chi phí điều trị nội trú (tức 60% chi phí điều trị nội trú).

+ Từ 01/01/2021, đi KCB trái tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 100% của 100% chi phí điều trị nội trú (tức 100% chi phí điều trị nội trú).