Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã chẩn đoán 14 em học sinh này đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau khi ăn quả cây ngô đồng.

Sau sự việc trên, ngày 27/3, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh; Phòng Y tế các huyện, thành phố; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo các trường học rà soát, thu gom, xử lý ngay các quả còn sót lại trên cây ngô đồng. Ngoài ra loại bỏ các loại cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên trường.

Với một số loài cây khác trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp với từng loại cây. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc các độc tố tự nhiên, khuyến cáo cho người dân và các em học sinh tuyệt đối không ăn các loại cây, hoa, quả lạ từ các cây mọc hoang dại, cây mọc ở chùa, đình, làng, đặc biệt là cây mọc tại khuôn viên trường học.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, các loài cây, quả, hoa chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: Cây lá ngón, cây thông thiên, cây đai vàng, cây bông tai, cây thầu dầu, cây ngô đồng, cây hồng trâu... Người dân tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa, quả có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ gây độc để ăn, uống. Đặc biệt, các gia đình cần trông nom, quan sát trẻ cẩn thận; hướng dẫn các trẻ lớn nhận biết quả gây độc, không tự hái, ăn những quả lạ ngoài thiên nhiên.