Hiện Bộ Y tế đang dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị “về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, theo đó, từ năm 2026, người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất một lần mỗi năm. Chính sách này có hiệu lực sẽ giúp việc tiếp cận y tế của người dân được công bằng hơn, từ đó giảm chi phí điều trị, gánh nặng bảo hiểm y tế.

Ths.BSCKII Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, BV Hữu nghị cho rằng: ở độ tuổi nào cũng cần khám sức khỏe định kỳ, nhất là những người có nguy cơ bệnh tật cao và người đang điều trị bệnh lý dài ngày. Mỗi độ tuổi nên khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm:

- Dưới 18 tuổi: Kiểm tra tình trạng tiêm chủng, tăng trưởng, thị lực, bác sĩ sẽ có lời khuyên để phát triển thể chất, duy trì sức khỏe và phòng bệnh.

- Từ 18-20 tuổi: ngoài tư vấn khám sức khỏe thông thường, bác sĩ còn tư vấn về an toàn tình dục, các mũi tiêm phòng cần thiết.

- Từ 20-30 tuổi, người bệnh nên quan tâm khám sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục…

- Từ 30-40 tuổi: người bệnh khám các bệnh lý tim mạch, mỡ máu , phụ khoa, đo mật độ xương.

- Từ 40-60 tuổi: người bệnh khám tầm soát các bệnh lý ung thư.

- Từ 60-80 tuổi, cơ thể lão hoá, sức khỏe giảm sút, do đó cần tầm soát 6-12 tháng / lần các bệnh lý tim mạch, ung thư, lão khoa, …. Lứa tuổi này đặc biệt cần tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh diễn biến nguy cơ biến chứng nặng như Zona, cúm, phế cầu …

Thế nhưng, thực tế thì việc khám sức khỏe định kỳ lại chưa được nhiều người quan tâm.

67 tuổi, phát hiện mắc bệnh tim năm 2023, từ đó, tháng nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Phúc ở phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội đều đến BV đa khoa Xanh Pôn để khám, lấy thuốc về uống. Nhưng bà cũng chỉ khám để theo dõi những bất thường của bệnh tim chứ chưa một lần nghĩ đến việc tầm soát các bệnh lý khác.

“Không có vấn đề gì thì chẳng khám làm gì, khám định kỳ bảo hiểm thì chưa đi. Đông lắm, dồn vào chen chúc. Vào viện mà xem, người xếp hàng khám tim có hàng trăm người, biết bao giờ mới đến lượt, có người phải đi từ 5-6h sáng, đông lắm” – Bà Nguyễn Thị Phúc nói.

Không chỉ bà Phúc mà nhiều người khác đều có tâm lý ngại đi khám tổng quát. Họ chỉ đến bệnh viện khi cơ thể đã có “báo động” với những dấu hiệu bệnh tật rõ rệt. Thậm chí, có những người còn sợ đến bệnh viện vì lo phát hiện ra bệnh.

Tâm lý ngại đi khám còn ở những người trẻ, những người vốn có đủ thông tin, sự hiểu biết về tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ:

“Tôi không có thói quen khám, không có thời gian rảnh nhều để đi. Vẫn lo nhưng bảo để dành thời gian một ngày đi khám thì thấy lười” – Một bạn trẻ ở Hà Nội chia sẻ.

Theo Ths.BSCKII Nguyễn Thị Kim Oanh, hiện nay, mô hình bệnh tật của người Việt Nam đã đã thay đổi, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, rối loạn tâm thần... đang có xu hướng tăng. Nếu không có thói quen khám sức khỏe định kỳ, sẽ không tầm soát được bệnh sớm và người bệnh sẽ có nguy cơ diễn biến nặng. Do đó, để chính sách có hiệu lực thì cần tạo thói quen cho người dân đi khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm.