Địa phương quá tải, đề nghị hỗ trợ

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, lượng người về quê Đồng Tháp đã hơn 8.000 người. Trong số này đã có 40 trường hợp dương tính với SarS-CoV-2. Đồng Tháp gần như quá tải khi lượng người về quá đông.

"Theo tôi, đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ sinh phẩm y tế cho các tỉnh miền Tây để xét nghiệm cho bà con về; hỗ trợ vaccine cho bà con để giữ miền Tây và kiến nghị các tỉnh phía trên cần có giải pháp hoặc vận động bà con đừng di chuyển nhiều nữa vì di chuyển như vậy sẽ khó kiểm soát tình hình dịch bệnh" – ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị.

Ở Hậu Giang, theo ông Đồng Hoàng Dũng – Chánh văn phòng UBND tỉnh, đến thời điểm này, tỉnh đã đón khoảng 3.700 người từ các nơi về và cách ly tập trung, về cơ sở vật chất và nhân lực cơ bản đáp ứng được.

Hiện tại còn khoảng 2.500 giường và các địa phương trong tỉnh đang kích hoạt thêm. Tuy nhiên, ông Dũng cũng lo ngại rằng thời gian tới, người dân sẽ còn tiếp tục quay về, khi đó hệ thống y tế khó có thể đảm bảo.

Ông Đồng Hoàng Dũng cho biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hậu Giang sẽ có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo các tỉnh thành khu vực phía nam, đặc biệt là TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương không cho người dân rời khỏi địa bàn trở về địa phương bằng các phương tiện cá nhân trong thời gian 15 ngày để các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long tổ chức cách ly, điều trị đối với công dân trở về trong những ngày qua.

Mới đây, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ ưu tiên vaccine cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tỉnh đã tổ chức đón hơn 1.700 công dân từ các địa phương Đông Nam Bộ về quê theo kế hoạch. Trong số này, tỷ lệ mắc Covid-19 là gần 10%.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, đến nay tỉnh đã tiếp nhận, đưa đi cách ly tập trung hơn 2.000 người từ các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ trở về quê bằng xe máy. Địa phương cũng đã kích hoạt trở lại toàn bộ khu cách ly tập trung, tận dụng các cơ sở như trường học, nhà thi đấu… để tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố trở về.

Tỉnh đang làm hết khả năng có thể để rà soát thật kỹ, tiếp nhận người dân trở về quê bằng xe máy nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Hiện tỉnh chỉ đáp ứng được tiếp nhận, cách ly tập trung khoảng 5.000 người.

An Giang và các tỉnh miền Tây kiến nghị TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An tạm thời đóng cửa trong vòng 15 ngày để giải quyết dứt điểm mấy chục ngàn người vừa về quê vài ngày qua. Thêm vào đó, đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 cho các tỉnh miền Tây.

Phản ứng của Bộ Y tế trước những kiến nghị của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Trong khi nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang vất vả trước đoàn người về quê tự phát, lo lắng nguy cơ "vỡ trận" thì Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua hệ thống y tế tại khu vực Tây Nam bộ đã có những cải thiện về y bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu, trang thiết bị, cơ bản đáp ứng được diễn biến tình hình, kể cả điều kiện có thêm người dân từ TP.HCM về.

"Thời gian vừa rồi có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, các tỉnh miền Tây đã hoàn thiện tháp điều trị 3 tầng, thành thạo phân loại xử lý các tầng cho phù hợp tình hình bệnh lý của bệnh nhân" - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã cử đoàn hướng dẫn, hiện đã rút về, nhưng cơ bản địa phương đã triển khai được công việc. "Tinh thần chỉ đạo chung là khuyến cáo ở lại TP.HCM và các tỉnh vùng dịch, ngoại trừ những trường hợp rất cần thiết. Những người dân về phải được tiếp nhận, đưa vào cách ly ngay, phát hiện các ca dương tính thì điều trị sớm”

Về vaccine, 63 tỉnh thành đều có kế hoạch, lên khung phân bổ hằng tuần hằng tháng, nhưng miền Nam và Tây Nam bộ là khu vực ưu tiên.

Tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine trên tổng số dân từ 18 tuổi trở lên tại Tây Nam Bộ là 4-8%, trong đó cao nhất là Đồng Tháp, Cà Mau, Hậu Giang là 8%. Đây là mức khá cao so với nhiều tỉnh thành miền bắc và miền trung chưa được phân bổ nhiều vaccine.

Với số vaccine dự kiến về nhiều thời gian tới, Bộ Y tế cũng vừa có văn bản yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.