Bên cạnh đó, ứng dụng VN-eID do Bộ Công an quản lý, là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân, là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội.

Còn Sổ sức khỏe điện tử, do Bộ Y tế quản lý, là ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của cá nhân. Cả hai sẽ vẫn tồn tại lâu dài, kể cả khi đại dịch kết thúc, để phục vụ xã hội.

Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các địa phương không phát triển thêm phần mềm, ứng dụng phòng chống dịch khác, thống nhất dùng chung ứng dụng để tránh gây rắc rối cho người dân. Một số địa phương tích hợp chức năng phòng chống dịch vào ứng dụng đô thị thông minh đã có từ trước sẽ phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ TT&TT để liên thông dữ liệu.

Ngoài ra, Bộ Y tế, TT&TT và Công an cũng yêu cầu thống nhất sử dụng QR Code. Cụ thể, người dân sẽ sử dụng mã QR trên thẻ Căn cước công dân, khi sử dụng trên ứng dụng di động thì thống nhất cách thức hiển thị mã QR theo Quyết định 1405/QĐ-BTTTT ngày 11/9/2021.

Theo thống kê, tính đến ngày 12/11, ứng dụng PC-Covid đã có hơn 29,1 triệu người dùng trên toàn quốc. 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cài PC-Covid cao nhất lần lượt là Bình Dương, Quảng Ninh, TP.HCM, Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bắc Giang.