Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng cao quá mức, diễn ra đột ngột do tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời quá cao trong một khoảng thời gian dài, cơ thể chưa kịp thích nghi dẫn đến nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, ra nhiều mồ hôi gây mất nước, chất điện giải, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, làm tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt của thần kinh trung ương... có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Chúng ta vẫn cho rằng, nắng và nóng là những yếu tố gây nên tình trạng sốc nhiệt. Có những người bị coi là sức khỏe yếu như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai thường bị sốc nhiệt. Thế nhưng, có cả những người trẻ, khỏe, thậm chí thanh niên cũng bị sốc nhiệt với hậu quả nặng nề. Theo Ths-BS Nguyễn Xuân Trung- Khoa Y học cổ truyền -BV Hữu Nghị, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của sốc nhiệt, nhưng phổ biến ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và những người bị tăng huyết áp…

BS Nguyễn Xuân Trung lưu ý, trước hiện tượng sốc nhiệt thường có những biểu hiện của tình trạng kiệt sức do nhiệt. Khi gặp phải hiện tượng này, người bệnh thường tiếp xúc trực tiếp với khu vực có nhiệt độ và độ ẩm cao. Làm việc quá sức trong môi trường nóng nực kèm với mất nước sẽ dễ dàng gây kiệt sức. Tình trạng này có thể xảy đến nhanh chóng và ảnh hưởng trong vài ngày tiếp theo. Còn sốc nhiệt là hiện tượng nghiêm trọng hơn. Nếu không điều trị kịp thời, sốc nhiệt có thể gây tử vong.

Những triệu chứng của kiệt sức vì nhiệt bao gồm: Đổ mồ hôi nhiều, xanh tái, chuột rút cơ bắp, mệt mỏi, yếu, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, ngất xỉu… Nếu không được điều trị, kiệt sức vì nhiệt có thể tiến triển nặng hơn, vì vậy, BS Nguyễn Xuân Trung khuyến cáo khi thấy xuất hiện triệu chứng kiệt sức do nhiệt, chúng ta nên làm mát cơ thể, bắt đầu bằng việc nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ. Nới lỏng quần áo để không khí có thể lưu thông xung quanh da. Uống nhiều nước mát, chườm mát trên da. Nếu thực hiện các bước trên không giúp bạn cảm thấy tốt hơn, các triệu chứng kéo dài hơn một giờ hoặc các triệu chứng bắt đầu xấu đi, phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Các triệu chứng sốc nhiệt gồm: Có thể ngừng ra mồ hôi, da đỏ, khô và nóng. Tuy nhiên, hiện tượng này không đúng trong mọi trường hợp. Khi nhiệt độ cơ thể tăng tới 40°C hoặc cao hơn, nạn nhân thường cảm thấy chóng mặt, gặp vấn đề về đi lại kèm với các dấu hiệu như đau đầu, nôn mửa, da chuyển màu đỏ, mạch đập tăng nhanh, khó thở hoặc mất nhận thức.

Cách xử trí kiệt sức do nhiệt: Đưa người bệnh vào khu vực mát mẻ, có bóng râm hoặc điều hòa là việc làm rất quan trọng. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa nhiệt độ tiếp tục tăng cao. Khi có dấu hiệu hồi phục, không nên ra ngoài nắng ngay. Người bệnh cần uống nước mát, nghỉ ngơi, thư giãn chân và cởi bớt quần áo. Khi gặp phải tình trạng kiệt sức, cơ thể bạn sẽ dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với nhiệt trong một tuần sắp tới. Do đó, mọi người nên nghỉ ngơi thường xuyên và tránh hoạt động cường độ cao vào thời điểm này.

Cách xử trí sốc nhiệt: Khi bị sốc nhiệt cần gọi ngay cấp cứu và thực hiện các biện pháp sơ cứu tương tự như khi gặp phải tình trạng kiệt sức do nhiệt. Các biện pháp cần được thực hiện nhanh và kịp thời để tránh nguy hiểm tính mạng.

Ngoài ra, sốc nhiệt điều hòa cũng là một tình trạng rất nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em và những người thể trạng yếu. Việc chênh lệch nhiệt độ giữa bên ngoài và bên trong nơi có điều hòa dễ khiến người sử dụng điều hòa bị sốc nhiệt.

Vì vậy để phòng tránh sốc nhiệt khi sử dụng máy lạnh, lưu ý chỉ nên để nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ thực tế 7 độ C. Sau 8 tiếng sử dụng máy lạnh, cần tắt máy lạnh và mở cửa để không khí lưu thông. Trước khi ra ngoài nên tắt máy lạnh trước 30 phút để cơ thể kịp thích ứng, tránh sốc nhiệt máy lạnh. Sốc nhiệt từ lạnh sang nóng rất thường gặp khi sử dụng điều hòa quá lâu. Ra khỏi xe hơi mở điều hòa vào ngày nắng nóng cũng dễ gây ra sốc nhiệt từ lạnh sang nóng.

Để phòng tránh sốc nhiệt, chúng ta cần thực hiện: Uống nước thường xuyên. Khi tiếp xúc với khu vực có nhiệt độ cao, nên uống khoảng một ly nước sau mỗi 15 phút. Sử dụng nước uống có chất điện giải: Các loại đồ uống này có khả năng bù nước nhanh chóng, đặc biệt khi bạn vừa hoạt động với cường độ cao. Tránh tập thể dục trong môi trường nóng: Thay vào đó, bạn nên hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian tập luyện để tránh nóng bức. Tránh ra ngoài trời trong giờ cao điểm nắng nóng. Sử dụng quần áo rộng rãi thoáng mát, sáng màu, đội mũ che đầu và cổ mỗi khi ra đường. Với người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc trời nắng nóng.

BS Nguyễn Xuân Trung- Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Hữu Nghị cho rằng việc sử dụng các loại thực phẩm có thể là mát cơ thể, hạn chế tình trạng sốc nhiệt như uống các loại nước quả ép, ăn nhiều rau xanh hoặc uống các loại nước thảo mộc…