50% trẻ phơi nhiễm khói thuốc lá ở nhà

Trong gia đình không có ai hút thuốc lá nhưng mỗi khi được bố mẹ đưa đến những nơi công cộng hoặc quán cà phê, hàng ăn… bé Cún và bé Tít ở Hà Nội khó tránh khỏi việc hít phải khói thuốc lá. Mặc dù không ở quá gần với người hút thuốc nhưng chỉ cần ngửi thấy khói thuốc thoảng qua cũng làm các bé cảm thấy khó thở, ngứa họng, ho...

Đã được thầy cô ở trường dạy về tác hại của thuốc lá nên các bé đều hiểu rằng khói thuốc gây ô nhiễm môi trường và khi đến những nơi công cộng thì không nên ở gần hoặc cùng chỗ với người hút thuốc. Tuy nhiên, ở những nơi chật hẹp thì khó có thể thực hiện được điều đó. Vì vậy, các bé luôn mong muốn được hít thở bầu không khí trong lành, không có khói thuốc lá.

Thống kê của ngành y tế cho thấy tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà lên tới 67% và tại gia đình là 49%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ lên tới gần 70% và của trẻ em là gần 50%.

Những tác hại của khói thuốc lá tới sức khỏe trẻ em

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hương – Khoa Nhi – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trẻ hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến hệ hô hấp viêm phế quản, viêm phổi, ho và khò khè, hen suyễn và các bệnh lý khác như nhiễm trùng tai. Khói thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. “Đặc biệt những trẻ mắc bệnh hen suyễn, nếu thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá thì tăng nguy cơ bị kháng thuốc điều trị bệnh hen. Những trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn và nguy cơ lên cơn hen cấp tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với trẻ sống trong gia đình không có người hút thuốc.” – BS Thu Hương nhấn mạnh.

Nhiều người thường cho rằng, chỉ cần không hút thuốc lá trước mặt trẻ em hoặc không hút trong nhà thì không ảnh hưởng đến trẻ. Tuy nhiên, BS Thu Hương cho hay, khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí, vương trên rèm cửa, đồ nội thất, quần áo…ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được. Hoặc sau khi hút thuốc mà cha mẹ, người lớn trực tiếp trò chuyện, ôm ấp bé thì khói thuốc trong hơi thở có thể phả vào em bé, khiến bé hít phải và nhiễm độc.

Đặc biệt, trẻ thường hay bắt chước những gì người lớn làm chứ không phải chỉ bằng lời nói. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu cha mẹ hút thuốc lá thì con cái cũng có xu hướng sử dụng thuốc lá khi lớn lên.

Để bảo vệ trẻ, BS Lê Thị Thu Hương khuyên các bậc cha mẹ nên giữ cho trẻ hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá . Khi cho trẻ ra ngoài hoặc các địa điểm công cộng, nên đưa trẻ đến những nơi có không gian thoáng rộng, không nên đưa trẻ đến những nơi mà có người hút thuốc. Các thành viên trong gia đình nếu đã hút thuốc thì nên giảm dần lượng thuốc hút mỗi ngày và tiến tới bỏ hẳn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Cha mẹ cũng có thể trò chuyện, giáo dục trẻ về những ảnh hưởng nguy hại của khói thuốc bằng tranh ảnh, các video clip… sinh động, giúp các bé biết nói không với thuốc lá ngay từ khi các con còn nhỏ.