Đẩy nhanh xét nghiệm phát hiện các ca F0 trong cộng đồng

Tiền Giang có số mắc tăng 2,5 lần (trung bình từ 400-700 ca/ngày), An Giang tăng 1,7 lần, Kiên Giang tăng hơn 2 lần. Cần Thơ và Đồng Tháp ghi nhận 100-200 ca/ngày, còn 3 tỉnh Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu có dưới 20 ca/ngày.

Chiều 25/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp trực tuyến với 12 tỉnh phía Tây Nam bộ gồm: Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 86 và các Công điện 1081, 1102 của Chính phủ.

Trong buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết địa phương triển khai kế hoạch xét nghiệm sàng lọc từ ngày 18/8. Đến nay, tỉnh chưa thể kiểm soát tốt nguồn lây trên địa bàn. Việc kiềm chế, giảm số ca nhiễm phải chờ đến đợt xét nghiệm thứ 2. Trong 79 mẫu gộp RT-PCR dương tính trên toàn tỉnh có 67 mẫu ở TP. Rạch Giá. Sau khi lấy mẫu đơn xét nghiệm, ngành y tế phát hiện 127 ca dương tính ở TP này.

Tỉnh Kiên Giang đang thực hiện xét nghiệm diện rộng nên số mắc tăng. Tỉnh này thực hiện xét nghiệm mẫu gộp PCR, tần suất 7 ngày/lần khu vực nguy cơ cao, rất cao. Đánh giá tần suất này sẽ không đuổi kịp tốc độ lây lan của biến thể Delta, Tổ công tác khuyến cáo với TP. Rạch Giá - nơi có các ca mắc chưa rõ nguồn lây phải làm thêm “vòng đệm” xét nghiệm nhanh kháng nguyên giữa 2 chu kỳ xét nghiệm.

TP. Cần Thơ đã xét nghiệm diện rộng lần 4 tại vùng nguy cơ cao và rất cao. Ba ngày gần đây, số mắc trong cộng đồng ở TP này giảm còn 30 ca thay vì 80-100 ca mỗi ngày như trước. Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 25/8 đến 8/9 để tập trung sàng lọc F0 ở khu vực nguy cơ, trọng điểm.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, sau 1 tuần triển khai nghiêm túc nội dung tại cuộc họp hôm 18/8, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã thực hiện tương đối tốt kế hoạch xét nghiệm sàng lọc để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Việc số lượng F0 tăng đã nằm trong dự liệu, là minh chứng cho việc sàng lọc rất kỹ, rất nhanh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, F0 trong cộng đồng chiếm tỷ lệ lớn (có tỉnh lên tới 90%) do việc xét nghiệm được triển khai quyết liệt. Điều này cũng chứng tỏ trong cộng đồng vẫn tiềm ẩn nguồn lây. Ông Tuyên nhấn mạnh đây là “mối nguy lây nhiễm rất lớn”, nếu không đẩy nhanh, đẩy mạnh việc xét nghiệm thì rất dễ lây lan, bùng phát dịch. Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện chặt Công điện 1102, trong đó tập trung thực hiện Chỉ thị 16 thật nghiêm túc và thực chất.

Về xét nghiệm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị những nơi đang tổ chức tần suất 7 ngày/lần cần bổ sung test nhanh mẫu gộp vào khoảng thời gian giữa hai chu kỳ. Việc này phải thực hiện thần tốc để đảm bảo tách bằng được F0 ra khỏi cộng đồng. “An Giang hôm nay đã trình phương án cách ly F1 tại nhà, đề nghị các tỉnh, thành phố khác phải chuẩn bị ngay kế hoạch này để không bị động”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Nhiều tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Nghị quyết 86 của Chính phủ ngày 6/8 đặt mục tiêu 11 tỉnh, thành phố Tây Nam bộ phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8, riêng tỉnh Long An phấn đấu trước ngày 1/9. Tuy nhiên, theo tiêu chí kiểm soát dịch do Bộ Y tế ban hành, đến nay, chưa địa phương nào ở Tây Nam bộ có quyết định dừng thực hiện Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo báo cáo của các địa phương, Kiên Giang quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 26/8 đến 1/9 và tiếp tục xét nghiệm diện rộng, thực hiện xét nghiệm nhanh “vòng đệm” tại vùng nguy cơ cao, rất cao.

Tỉnh Hậu Giang đến ngày 27/8 mới có thêm quyết định việc thực hiện giãn cách xã hội. Còn 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16. Tỉnh Đồng Tháp đang siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 kéo dài đến 5/9. Riêng Sóc Trăng áp dụng theo từng xã, huyện theo đánh giá vùng nguy cơ… Số lượng F0 tăng đã nằm trong dự liệu, sớm phê duyệt phương án cách ly F1 tại nhà

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng các địa phương khảo sát vị trí, cơ sở vật chất và phê duyệt ngay phương án sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến do quân đội đảm nhiệm trong tình huống khi gia tăng số ca F0.