Áp lực của nghề điều dưỡng

Theo nghiên cứu ở nước ta, một ngày điều dưỡng phải thực hiện tới hơn 100 đầu công việc, không chỉ là thực hiện theo các y lệnh của bác sĩ mà còn chăm sóc nhu cầu thiết yếu của người bệnh như ăn uống, vệ sinh cá nhân… Vì vậy, có thể nói, điều dưỡng là nghề vất vả và chịu nhiều áp lực mà nếu không có sự tâm huyết với nghề thì các điều dưỡng khó có thể hoàn thành được công việc.

Nhẹ nhàng, cẩn thận cho bệnh nhân ăn qua xông từng chút một, anh Đồng Văn Hạnh – người đã có thâm niên 16 năm làm điều dưỡng ở Khoa Hồi sức tích cực, BV Lão khoa TW cho biết: “Bệnh nhân này không ăn được, bị trào ngược dạ dày, chúng tôi phải đặt một ống xông xuống hỗng tràng để cho ăn nhỏ giọt theo chỉ định của khoa dinh dưỡng. Bệnh nhân này bị rối loạn điện tim, tăng kali máu, theo dõi huyết áp, duy trì vận mạch, ăn không tiêu thì phải theo dõi dịch tồn dư. Ngoài ra bệnh nhân này còn bị nguy cơ loét cao nên thường xuyên vệ sinh, chăm sóc dự phòng cho đỡ loét”.

Đó là trường hợp bệnh nhân 69 tuổi, ở Thái Bình nhập Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, được các bác sĩ chỉ định đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu liên tục. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, công việc của điều dưỡng Đồng Văn Hạnh là lập tức làm theo các y lệnh của bác sĩ, đồng thời túc trực thường xuyên theo dõi các chỉ số sinh tồn của người bệnh, chăm sóc phòng ngừa viêm loét, đặt thêm ống xông cho bệnh nhân ăn hằng ngày…

Ngoài bệnh nhân này, anh Đồng Văn Hạnh còn chăm sóc cho 7 bệnh nhân khác đều cần đến sự chăm sóc phục vụ tại chỗ. Anh Hạnh cho biết: Hiện khoa có 54 giường bệnh, nhưng cũng có thời điểm lên đến 60 bệnh nhân nhập viện, do đó số lượng bệnh nhân mà mỗi điều dưỡng phụ trách cũng sẽ tăng lên.

“Khoa Hồi sức tích cực là đơn vị điều trị, công việc điều dưỡng vất vả, ngoài việc thực hiện theo y lệnh của bác sĩ, chúng tôi còn phải làm thành thạo nhiều kỹ thuật y khoa như quy trình thay băng mở khí quản, cho bệnh nhân ăn qua xông theo chế độ bệnh viện, đặt xông dạ dày, tiểu phối hợp cấp cứu bệnh nhân, thực hiện chỉ định các xét nghiệm, cận lâm sàng, theo dõi bệnh nhân nặng để xử lý kịp thời đồng thời còn chăm sóc tâm lý, giải thích hướng dẫn cho người nhà trong quá trình điều trị, ra viện. Mỗi tháng đi trực 10 buổi, mỗi buổi làm đến 13h00 chiều mới ăn cơm, đang ăn thì bệnh nhân cấp cứu lại phải dừng lại đi cấp cứu cho bệnh nhân là chuyện bình thường. Bệnh nhân lọc máu còn phải trông xuyên đêm" - anh Đồng Văn Hạnh cho biết.

Công việc vất vả nên phần lớn điều dưỡng làm việc ở bệnh viện đều không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình, con cái.

“Tôi có gia đình và 2 con nhỏ, thời gian gắn bó với bệnh viện nhiều hơn ở nhà nên chồng và gia đình phải hỗ trợ, giúp đỡ nhiều. Khi vào BV làm thì trình độ của tôi mới chỉ là Cao đẳng nên bây giờ tôi đang học liên thông lên Đại học để nâng cao trình độ chuyên môn. Lịch học thường vào buổi tối, thứ 7, chủ nhật nên phải sắp xếp công việc cho phù hợp” - chị Đặng Thanh Hoa – Điều dưỡng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ.

Tại Bệnh viện Lão khoa TW, có những thời điểm đông bệnh nhân điều trị nội trú thì các điều dưỡng còn phải chịu sự luân chuyển từ khoa này sang khoa khác để làm sao phục vụ bệnh nhân tốt nhất.

“Vì đặc thù ngành này là nữ nên bị ảnh hưởng bởi công việc gia đình như các bạn nghỉ sinh. Phần lớn các bạn là người trẻ, để nâng cao tay nghề, Bệnh viện tạo điều kiện cho các bạn đi học thì khi BV đông bệnh nhân, có khoa phòng thiếu người thì luân chuyển điều dưỡng từ nơi này sang nơi khác. Điều dưỡng ở khoa nội mà chuyển sang khoa hồi sức sẽ bị áp lực nhất định nên chúng tôi thường có biện pháp thường xuyên cho các bạn trực tăng cường, như vậy khi có sự điều động nhất định thì các bạn đáp ứng được yêu cầu công việc” – chị Trần Thị Hương Trà - Trưởng phòng điều dưỡng, Bệnh viện Lão khoa TW cho biết.

Nhận định thêm về vai trò của điều dưỡng đối với công tác điều trị cho bệnh nhân, TS.BS Trần Viết Lực – Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa TW cho rằng: "Điều dưỡng là người sâu sát nhất với người bệnh và có ảnh hưởng đến kết quả điều trị cũng như tiến triển của người bệnh khi nằm tại Bệnh viện, thậm chí ngay cả khi người bệnh về nhà thì điều dưỡng cũng phụ trách hướng dẫn người nhà cách chăm sóc".

Thiếu điều dưỡng - Vì sao bệnh viện công vẫn khó tuyển người?

Năm 2020, báo cáo về tình trạng điều dưỡng toàn cầu của WHO đưa ra nhận định:“Điều dưỡng là một bộ phận sống còn của hệ thống y tế”. Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2020, tỷ lệ điều dưỡng chiếm gần 40% nhân lực toàn ngành y tế. Nếu tính cán bộ y tế chăm sóc trực tiếp cho người bệnh thì điều dưỡng chiếm gần 60% thời gian bệnh nhân nằm viện, điều dưỡng có mặt ở khắp nơi của hệ thống y tế. hiện nay, các bệnh viện đang thiếu nhân lực điều dưỡng chuyên nghiệp, nhưng lại rất khó để tuyển người.

Trao đổi với Phóng viên của VOV2, TS.BS Trần Viết Lực – Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa TW cho biết: Đặc thù của Bệnh viện Lão khoa TW, bệnh nhân là người cao tuổi có đa bệnh lý, thường vào viện với những đợt cấp của bệnh thoái hóa, bệnh nặng và khó chữa nên điều dưỡng làm việc thì thể lực và tinh thần đều căng thẳng. Đối với bệnh nhân nặng thì cần 2 điều dưỡng/bệnh nhân như ở các khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu, khoa Thần kinh. Hiện Bệnh viện Lão khoa Trung ương cần khoảng 1,5 điều dưỡng/bệnh nhân. Thế nhưng hiện bệnh viện có 230 điều dưỡng.

“Nếu so với bệnh viện khác thì tỷ lệ điều dưỡng/bệnh nhân ở Bệnh viện Lão khoa TW đã là cao rồi, ở nhiều bệnh viện khác, tỷ lệ điều dưỡng/bệnh nhân còn thấp hơn nữa. Với đặc thù của Bệnh viện Lão khoa TW, Ban Giám đốc đã quan tâm thường xuyên tuyển dụng điều dưỡng rồi nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn không đủ” – TS.BS Trần Viết Lực nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong tuyển dụng điều dưỡng, TS.BS Trần Viết Lực cho rằng, hiện các bệnh viện gặp khó khăn về ngân sách cũng như là vấn đề chi trả lương để giữ chân các điều dưỡng ở lại lâu dài gắn bó với bệnh viện.

“Hiện nay các bệnh viện phải tự chủ, ngân sách hạn hẹp nên chúng tôi phải tính toán phù hợp để anh em làm việc, đủ để trang trải cuộc sống. Bây giờ nếu tuyển ồ ạt, không có ngân sách chi trả thì khó giữ anh em ở lại, chưa kể là đến khi vào làm, công việc nặng nhọc mà thu nhập không cao thì chưa chắc anh em đã ở lại làm việc.

Hiện nay có nhiều cơ sở đào tạo điều dưỡng. Như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã mở khoa đào tạo điều dưỡng lâu rồi, hoặc những trường Cao đẳng điều ngày nay tăng lên nhiều, duy chỉ có điều không có nhiều các bạn trẻ sẵn sàng đi học để trở thành điều dưỡng, chỉ một số bạn thích ngành y nhưng không thi được là bác sĩ thì vào điều dưỡng thôi, ngoài ra nhiều bạn trẻ không thích vào ngành y thì vấn đề này liên quan đến chính sách của Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích”.

Việt Nam đã bước vào dân số già từ năm 2012, chúng ta đối diện với già hóa dân số trong vòng 12-20 năm tới. Với số lượng điều dưỡng đang hoạt động như bây giờ thì nguồn nhân lực đáp ứng là không đủ.

Theo thống kê trên thế giới, cứ 1 bác sĩ thì có 3 - 4 điều dưỡng viên, Nhật Bản thậm chí có đến 9 - 10 người, còn ở Việt Nam một bác sĩ chưa có đến 2 điều dưỡng viên.

Tổ chức y tế thế giới cảnh báo tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030 ngành y tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000 - 50.000 nhân lực điều dưỡng.

Việc thiếu nhân lực điều dưỡng, trong khi nhu cầu chăm sóc người bệnh tăng thì sẽ xuất hiện nhóm người chăm sóc tự phát dẫn đến các vấn đề phức tạp liên quan đến an toàn của người bệnh, an ninh trật tự trong bệnh viện… Vì vậy, để giải quyết vấn đề khoảng trống trong công tác chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, theo TS.BS Trần Viết Lực, tương lai nên chăng mở thêm ngành chăm sóc bệnh nhân.

“Nếu một điều dưỡng để học lên Cao đẳng hay Đại học sẽ mất 3-4 năm. Học lâu như vậy mà họ phải kiêm thêm làm những công việc thông thường vệ sinh cá nhân cho người bệnh thì khá lãng phí nhân lực. Vì vậy, nếu sau này chúng ta đào tạo những người chăm sóc thì không yêu cầu về kiến thức y tế nhiều, chỉ mất khoảng 2-3 tháng đào tạo thôi là họ đã làm tốt công tác chuyên môn là theo dõi người bệnh rồi. Khi sử dụng nguồn nhân lực này thì sẽ hỗ trợ cho điều dưỡng nhiều hơn trong vấn đề chăm sóc bệnh nhân” – TS.BS Trần Viết Lực đề xuất.