Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid - 19 khẳng định, đợt dịch thứ 4 tại nước ta đang diễn biến rất phức tạp, trong đó có những chùm ca bệnh liên quan tới các bệnh viện tuyến trung ương. Cùng với đó là việc quản lý người được cách ly và sau cách ly vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Chính vì thế thời gian tới các biện pháp quản lý phải được siết chặt hơn nữa, kiên quyết xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự tham gia của người dân vào công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu các địa phương kích hoạt lại hoạt động của các Tổ Covid-19 cộng đồng để nâng cao hoạt động giám sát dịch bệnh tại cơ sở.

Các địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh cũng như các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia như Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 về các biện pháp dập dịch đang triển khai và kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch bệnh diễn biến căng thẳng hơn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. "Thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát khó khăn hơn trước, có thể xuất hiện thêm ổ dịch, nguồn lây chưa biết" – Bộ trưởng nói và nhấn mạnh các địa phương phải đặt trong trạng thái không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Chúng ta đang được đặt trong tình trạng báo động rất cao", đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, cho dù còn có những thách thức nhưng nước ta bước đầu đã kiểm soát dịch bệnh khá hiệu quả và kịp thời. Điều quan trọng trong lúc này là phải có phương án xử lý phù hợp, đặc biệt là có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại các địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, thời gian tới các địa phương cần chuyển từ trạng thái phòng ngự sang trạng thái kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công trong công tác chống dịch. Bộ Y tế cần khẩn trương chuẩn bị thêm nguồn vắc xin phục vụ công tác phòng dịch. Tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát, thực hiện nghiêm biện pháp 5K và tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cho người dân. Tuyệt đối không chủ quan lơ là, nhưng cũng không hoảng sợ. Linh hoạt đối phó với dịch bệnh trong mọi tình huống, phân cấp quản lý và kiểm soát dịch bệnh vì sức khỏe của mỗi cá nhân, cộng đồng và lợi ích của quốc gia dân tộc.

Bộ Y tế gửi công điện cho chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và chủ động xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm COVID-19, trong đó có chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (BCĐQG), điện đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tiếp tục khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia PCD COVID-19 và Công văn số 3775/BYT-KCB ngày 6/5/2021 về việc tăng cường PCD COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện.

3. Đối với các địa phương có ca bệnh trong cộng đồng: xét nghiệm chủ động toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc người bệnh dài ngày. Các địa phương chưa có ca bệnh trong cộng đồng thực hiện theo Công văn số 5268/BYT-KCB ngày 1/10/2021 của Bộ Y tế. Kinh phí xét nghiệm thực hiện từ nguồn kinh phí chống dịch của địa phương và theo hướng dẫn Công văn số 1126/BHXH-CSYT ngày 29/4/2021 của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện và báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh). Lãnh đạo địa phương và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.