Trong mấy ngày gần đây, đại dịch Covid-19 bùng phát tại cộng đồng với nhiều diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương… đã buộc chúng ta phải có những quyết sách và phương cách mới để ngăn chặn, giảm thiểu lây lan dịch bệnh.

Tại thời điểm này, Bắc Giang ghi nhận hơn 1.000 ca mắc, hơn 13 nghìn người trong khu cách ly tập trung. Trong khi đó, Bắc Ninh ghi nhận hơn 500 ca mắc và cách ly y tế 31 nghìn trường hợp. Số người là F1 phải cách ly tập trung lên tới hàng chục nghìn người, quá tải cho các cơ sở cách ly tại hai địa phương này.

Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Việt Nam chúng ta quy định bắt buộc cách ly tập trung với người tiếp xúc gần (tức là F1) tại các cơ sở do quân đội, công an quản lý. Biện pháp này đã giúp chúng ta đứng vững trước ba làn sóng dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay do tình hình dịch bệnh có những thay đổi, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Đây là một trong những chủ trương mới khi tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp. Đa số người dân đều đồng tình ủng hộ nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng về sự tự giác cũng như quy trình giám sát đối với diện cách ly mới này.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, việc thực hiện cách ly tại nhà đối với F1 có nhiều lợi thế, vừa giảm được nguy cơ lây chéo, vừa giảm gánh nặng ngân sách. Ông phân tích, mục đích chính của các hình thức cách ly là cắt đứt đường lây nhiễm của dịch bệnh từ một người sang nhiều người. Dựa trên nguyên tắc này, nhà chức trách có thể áp dụng nhiều phương pháp cách ly, phù hợp với từng thời kỳ dịch bệnh.

Và việc cách ly này cũng cần phải đảm bảo một số điều kiện nhất định:

Thứ nhất, F1 cách ly tại nhà phải thuộc diện nguy cơ không cao theo phân loại của cơ quan y tế, phải được trang bị kiến thức kỹ lưỡng về dịch bệnh, hướng dẫn biện pháp đảm bảo an toàn. F1 và gia đình phải ký cam kết với chính quyền tuân thủ nghiêm ngặt, không tự ý rời khỏi nơi cư trú.

Thứ hai, nhà phải có cơ sở vật chất đủ rộng, có phòng riêng để sinh hoạt, nhiều phòng khép kín, cách biệt với các nhà xung quanh… Các thành viên khác trong gia đình không tiếp xúc gần với F1. Mọi sinh hoạt của F1 thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Thứ ba, khi gia đình có thành viên là F1 thì những người còn lại đương nhiên là F2 (diện cách ly tại nhà) nên cần được trang bị kiến thức phòng tránh dịch, sinh hoạt hàng ngày an toàn.

Thứ tư, tất cả F1 được cách ly tại nhà phải được giám sát chặt chẽ, nếu vi phạm xử lý nghiêm.

Đồng thời, trong thời gian cách ly tại nhà, các thành viên gia đình phải được xét nghiệm Covid-19, tối thiểu 3 lần như quy định với người cách ly tập trung.

"Điều tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phải có sự tư vấn với quy trình chi tiết đầy đủ để người dân hiểu, nhận thức và có ý thức, từ đó mới thực hành chuẩn”. PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung nói.

Một trong những yếu tố hết sức quan trọng để thực hiện cách ly F1 tại nhà an toàn hiệu quả đó là công tác giám sát. Và để làm tốt điều này, chúng ta phải tiến hành đồng thời nhiều biện pháp như lắp camera, face time, điện thoại thông minh và các ứng dụng công nghệ khác.

Trả lời câu hỏi ai, tổ chức nào thực hiện giám sát đối với các F1 cách ly tại nhà là phù hợp? PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung cho rằng: trước hết là “tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng”. Y tế cơ sở phải có đường dây nóng để người dân hỏi khi có các vấn đề liên quan, ví dụ như các vấn đề sức khỏe phát sinh trong quá trình cách ly không phải do Covid-19. Và chắc chắn là chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc cùng với các cơ quan chức năng, cần phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và có quy trình chuẩn.

PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung cũng nhấn mạnh một chìa khóa quan trọng, đó là phải xác định công tác giám sát ở đây là giám sát hỗ trợ chứ không phải giám sát mang tính chất kiểm tra và nhằm nhằm người dân vi phạm thì phạt. Các cơ quan chức năng phải đi trước, nghĩa là tư vấn, hướng dẫn để người dân biết lợi ích của cách ly tại nhà, từ đó tự giác tuân thủ. Còn nếu với những trường hợp cố tình vi phạm thì không còn cách nào khác là phải phạt nặng.

“Trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, chúng ta cần thiết phải thực hiện cách ly tại nhà đối với F1. Tuy nhiên chỉ những trường hợp đủ điều kiện mới thực hiện hình thức cách ly này mà thôi” – PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung đặc biệt lưu ý.

Để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, hơn lúc nào hết, đây chính là thời điểm mà mỗi người dân cần thể hiện trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, dù là F1, F2 hay một người may mắn chưa là F nào cả thì quan trọng nhất vẫn là nhận thức, hiểu biết về dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp phòng chống dịch mà các cơ quan chức năng khuyến cáo.

Mời nghe âm thanh dưới đây: