Bước vào một tháng giãn cách xã hội, tập trung kiểm soát dịch, TP. HCM một lần nữa thay đổi mô hình điều trị. Sau khi tăng từ 3 tầng lên 4 tầng rồi 5 tầng, ngành y tế quyết định trở lại với 3 tầng điều trị. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất lần này là TP. HCM huy động tất cả bệnh viện công - tư trên địa bàn cùng tham gia điều trị Covid-19 thay vì các cơ sở điều trị riêng như trước đây.

Kế hoạch mới của TP. HCM yêu cầu các cơ sở y tế công - tư sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh Covid-19. Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho biết mục đích của sự thay đổi này là huy động tối đa nguồn lực sẵn có, tăng khả năng tiếp cận hệ thống cấp cứu cho người dân bởi đây là giai đoạn quan trọng nhất với người bệnh.

Theo PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc (cựu Phó khoa Y, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP. HCM): một mô hình điều trị thành công cần đạt hai mục tiêu là kéo giảm tỷ lệ tử vong và người dân được tiếp cận y tế nhanh nhất, tốt nhất. Nếu người dân không có khả năng tiếp cận y tế thì tỷ lệ tử vong không thể giảm.

TP. HCM có khoảng 500 cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập. Trong khi đó, số cơ sở tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện tại ở TP. HCM là 241, nhiều nơi được thiết lập mới hoàn toàn. Trong số hơn 57.000 người đang công tác trong ngành y tế ở TP. HCM, có 20.087 người tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch (gần 1/3). Lực lượng còn lại phục vụ ở các cơ sở y tế khác, hầu hết trống giường do không có bệnh nhân, trong khi thành phố vẫn thiếu 12.000 nhân viên y tế chống dịch.

Nghịch lý là khi các tầng điều trị Covid-19 ngày càng quá tải vì số ca nhiễm tăng quá nhanh thì những bệnh viện không điều trị Covid-19 lại hoạt động với công suất rất thấp do ít bệnh nhân thông thường đến khám.

Thêm vào đó, trong khi nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trong thành phố có đầy đủ trang thiết bị như bồn oxy, hệ thống oxy trung tâm, máy thở… gần như bỏ trống, thành phố lại phải lập thêm các bệnh viện điều trị Covid-19 và trang bị máy móc, lắp đặt hệ thống oxy mới… Chuyên gia cho rằng lập thêm cơ sở mới là việc cần làm, nhưng bỏ trống những bệnh viện có khả năng điều trị Covid-19 là sự lãng phí rất lớn.

Từ góc nhìn này, chuyên gia ủng hộ việc tất cả cơ sở y tế trên địa bàn, bất kể công - tư, tiếp nhận cả bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân không mắc Covid-19.

Để thực hiện, bà cho rằng các đơn vị phải thiết lập 3 vùng: Vùng xanh cho bệnh nhân không mắc Covid-19; vùng vàng cho bệnh nhân nghi ngờ, chờ kết quả xét nghiệm; và vùng đỏ cho bệnh nhân mắc Covid-19. Mô hình gần giống như bệnh viện tách đôi.

TP. HCM thay đổi mô hình thu dung và điều trị Covid-19 từ tháp 5 tầng thành thấp 3 tầng.

Tầng 1 là triển khai gói chăm sóc F0 tại nhà và 153 cơ sở cách ly tập trung (23.898 giường) cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền hoặc có bệnh nền ổn định.

Tầng 2 là cấp cứu và điều trị các trường hợp F0 có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng tại 74 bệnh viện điều trị Covid-19 (49.392 giường).

Tầng 3 là hồi sức chuyên sâu F0 nặng và nguy kịch tại 8 bệnh viện hồi sức Covid-19 (3.883 giường).